Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

PHẨM PHỤC CHỨC THÁNH TRONG GIÁO HỘI

Ý nghĩa phẩm phục chức thánh trong Giáo Hội
(EMTY) - Khi nói về màu sắc chiếc áo chùng (cassock) hoặc áo choàng (mozzetta), ta thấy đức giáo hoàng mặc màu trắng, các vị hồng y mặc màu đỏ thắm, tổng giám mục mặc màu đỏ sậm hoặc đỏ tía (đỏ tím) tuỳ theo dịp, các giám mục mặc màu đỏ tía, đức ông mặc màu đen với đường viền tím, và các linh mục mặc màu đen. Màu sắc phẩm phục thể hiện chức vị của họ.
ĐGH Bênêđictô XVI mặc mozzetta đỏ khi tiếp vợ chồng Tổng thống Mỹ Obama
Một loại áo mozzetta đỏ viền trắng truyền thống được ĐGH Bênêđictô XVI mặc trong các dịp quan trọng, thường Là Giáng Sinh
Trong những vùng nhiệt đới, các linh mục cũng có thể mặc màu trắng, nhưng sẽ vi phạm nghi thức (protocol) nếu mặc màu trắng khi có sự hiện diện của đức giáo hoàng, mặc dù một số người đã mặc như thế.
Cùng với chiếc áo chùng (cassock), họ cũng mang một chiếc đai gọi là fascia. Áo chùng luôn được mặc với chiếc áo rochet trắng bên ngoài (dài đến đầu gối). Nhưng đôi khi trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể thấy một giám mục mặc áo chùng đen có nút màu, viền màu và dây đai. Hồng y ở một số nước có thể mặc áo chùng trắng với các nút màu, viền màu và dây đai. Các giám mục của các dòng tu thường mang phẩm phục của nhà dòng chứ không phải đỏ sẫm.
Rochet áo loại phẩm phục của giáo sĩ có đường viền và trang trí các hoa văn hoạ tiết nổi, được làm bằng ren trắng. Trong các Giáo hội Công giáo Đông phương, các giám mục không mặc rochet. Trong Giáo hội Công giáo La Mã, áo rochet có độ dài từ đầu gối của vị giáo chức trở lên, Trong Giáo hội Anh giáo, áo rochet thường có chiều dài quét đất (vừa bằng với chiều dài của áo cassock) và ống tay áo thì vừa đủ chạm cổ tay vị giáo chức.
Một số kiểu áo rochet
Ý nghĩa màu sắc
Màu đỏ tía được xem là màu biểu tượng của hoàng gia, vì trong thời cổ đại, để có quần áo màu sắc này, người ta phải dùng các tuyến nhỏ trong một loại ốc sống trong các vùng biển ngoài khơi Phoenicia để nhuộm. Vải màu đỏ tía thuộc loại đắt tiền nhất vào thời đó, nên nó thường gắn bó với hoàng gia vì chỉ có giới hoàng gia mới có đủ khả năng để có loại vải này. Các giám mục được xem là các hoàng tử của Giáo Hội.
Màu đỏ thắm không phải là màu sắc bắt nguồn từ loài chim. Cái tên chim hồng y (cardinal bird - ảnh bên) thực sự bắt nguồn từ màu sắc chiếc áo chùng của các hồng y. Theo truyền thống, những chiếc áo chùng có 33 nút từ trên xuống dưới, tượng trưng số năm Chúa Giêsu hiện diện tại thế, và 5 nút bấm trên tay áo tượng trưng cho 5 dấu đinh của Ngài.
Màu đỏ thắm luôn là màu tượng trưng cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, là ngọn lửa của Lễ Hiện Xuống và là máu của Con Chiên. Việc liên kết với Lễ Ngũ Tuần tạo thành màu sắc của các Tông đồ, và do đó hình thành nên Hồng y đoàn.
Màu trắng tượng trưng cho sự thật, thanh khiết hay ánh sáng của vinh quang. Màu trắng là màu áo chúng ta mặc khi chịu Phép Rửa Tội, vì nó được xem như màu của con đường đến thiên đàng. Đức giáo hoàng được biểu thị như là sự nối kết gần gũi nhất của chúng ta với con đường đó.
Mũ giám mục
Chiếc mũ sọ của giám mục được gọi là “zuchetto” và là biểu tượng ghi dấu các ngài là giám mục, còn chiếc mũ lớn có mũi nhọn được gọi là “mitra” (mitre) và là một biểu tượng thể hiện chức vị của họ, như là các hoàng tử của Giáo hội Công giáo. Chiếc mũ mitra (mũ lớn) là một phẩm phục chính thức trong phụng vụ và được vị giám mục đội trong Thánh lễ và trong khi tiến hành các nghi lễ chính thức khác của Giáo Hội.
Theo thứ bậc trong Giáo Hội, màu sắc của mũ sọ (zucchetto) biểu thị cấp bậc của người đội, ví dụ, mũ sọ của đức giáo hoàng màu trắng, mũ của các hồng y màu đỏ thắm hay đỏ tươi (scarlet) và mũ của các giám mục, đan viện trưởng (viện phụ) và giám chức thuộc địa hạt (terrotirial prelate) màu đỏ tía.
Trong khi cử hành Thánh lễ, giám mục lấy mũ sọ xuống khi bắt đầu Kinh Tiền Tụng và đội lên lại sau phần Hiệp lễ như là một biểu hiện tôn trọng sự “hiện diện thực sự” của Chúa Kitô bằng thân thể, linh hồn và thiên tính”. Trong Thánh lễ, vị giám mục lúc thì đội mũ lớn, lúc lại lấy xuống, tuỳ theo các phần nghi lễ trong phụng vụ.
Mặc dù có một số tranh luận về truyền thống đội mũ sọ và mũ mitra có từ lúc nào (một số người khẳng định đã có từ thời các Tông đồ), nhưng mũ mitra đã có ít nhất từ 1.000 năm nay. Hình dáng của chiếc mũ mitra phải có hình như lưỡi lửa ngự xuống trên đầu các Tông đồ khi các ngài tụ họp trong căn phòng trên lầu vào ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa gửi Thánh Thần đến với Giáo Hội.
Vị giám mục nhận mũ mitra trong lễ tấn phong giám mục, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên vị tân giám mục theo cùng một cách thức Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ đầu tiên. Hình dáng mũi nhọn tượng trưng cho lưỡi lửa của Chúa Thánh Thần và liên kết vị giám mục với các Tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2).
Cùng với các phẩm phục mang trong Thánh lễ, vị tổng giám mục còn mang một dây Pallium. Dây Pallium là sợi dây được dệt bằng lông chiên màu trắng, có thêu 6 hình Thánh giá màu đen, được mang choàng qua vài hay cổ (khi đeo, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng). Dây Pallium là biểu hiện quyền bính và thể hiện sự hiệp thông chặt chẽ giữa các tổng giám mục và vị giáo hoàng Rôma.
Trong lễ tấn phong, giám mục cũng nhận một Thánh giá (Pectoral Cross) mà từ đó ngài phải luôn mang trên ngực. Gậy mục tử mà vị giám mục cầm được gọi là cây gậy (có đầu uốn cong) mục tử hoặc gậy phép của giám mục hoặc côn trượng mục tử. Ngài cầm gậy mục tử trong nghi thức phụng vụ như là dấu hiệu cho thấy ngài là vị mục tử trưởng dẫn dắt đàn chiên Chúa và hướng dẫn họ theo cách Chúa dùng cây gậy mục tử của Người.
Giám mục còn đeo một chiếc nhẫn mang dấu ấn của giám mục trên mặt của nó. Chiếc nhẫn này là một biểu tượng về lòng trung thành của giám mục với Thiên Chúa và Giáo Hội. Giám mục luôn luôn đeo nhẫn, biểu tượng của lòng trung thành của ngài và sự gắn bó khăng khít với Giáo Hội, với giáo phận (hôn thê của ngài) mà ngài được đặt làm giám mục.
Mừng lễ Thánh Phêrô và Phaolô 29-6-2012
Hùng Nguyễn
(emty.org Cập nhật: 30/06/2012 - 02:22:28)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét