Cầu nguyện là việc làm không xa lạ gì với chúng ta, những Kitô hữu. Nhưng liệu chúng ta đã cầu nguyện đúng cách chưa? Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe nói rằng “cầu nguyện có thể làm chúng ta thất vọng nếu chúng ta không hiểu Lời Chúa và Đường Lối của Ngài”. Xuân về, Tết đến, có thời gian thư thái một chút, chúng ta cùng tìm hiểu về cách cầu nguyện.
Đa số các Kitô hữu không biết rằng có vài cách cầu nguyện, nếu chúng ta dùng cách này thay vì đáng lẽ phải dùng cách khác thì sẽ vô tác dụng. Bạn dùng khí cụ tâm linh sai đối với nhu cầu của mình. Chúa có ý nói về mỗi cách trong 6 cách cầu nguyện được đề cập trong Kinh Thánh để có các hiệu quả khác nhau, như được mô tả dưới đây.
1. Cầu nguyện hiệp thông
Chính Chúa Giêsu đã giới thiệu cách cầu nguyện “đồng tâm nhất trí” khi Ngài nói: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:19-20).
Bạn có thể thấy ngay rằng cách cầu nguyện hiệp thông có tác dụng, người ta cầu nguyện để được chấp nhận! Bạn không biết điều người khác muốn được thì Thiên Chúakhông thể đáp lại lời cầu nguyện của bạn dành cho người khác ngược với ý người đó. Khi dùng cách cầu nguyện hiệp thông, bạn phải chắc rằng chính mình và người kia đồng tâm hiệp ý cầu xin điều gì đó.
Nếu có ai xin tôi cầu nguyện với họ, tôi hỏi: “Bạn muốn tôi cầu nguyện về điều gì?”. Chúng ta phải chắc mình hoàn toàn đồng tâm nhất trí với người khác khi cầu nguyện.
2. Cầu nguyện tin tưởng
Cầu nguyện tin tưởng là cách cầu nguyện mà đa số người ta nghĩ là “cầu xin”. Cầu xin là điều bạn “năn nỉ” Chúa ban cho mình điều gì đó.
Chúa Giêsu đã xác định: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11:24). Quy luật cân nhắc ở đây là lúc bạn cầu nguyện – không phải là sau khi cầu nguyện, cũng không phải là khi bạn cảm thấy hoặc nhận thấy điều gì đó. Khi cầu nguyện, bạn phải tin rằng bạn nhận được điều mình xin.
Thánh Phaolô nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11:1). Đức tin là “chất” rõ ràng và có thật. Đó là chứng cớ về những thứ bạn không thể thấy.
Lưu ý rằng Mc 11:24 không nói khi bạn thực sự thấy kết quả của lời cầu nguyện. Điều đó không nói với bạn phải mất thời gian bao lâu sẽ có kết quả, và đây là điều mà nhiều Kitô hữu “lưỡng lự”. Với Thiên Chúa, thời gian luôn là hiện tại, không có quá khứ hoặc tương lai. Vì chúng ta là phàm nhân nên mới có quá khứ, hiện tại và tương lai.
Khi tin tưởng cầu nguyện, Thiên Chúa ban ngay cho bạn điều bạn cầu xin theo tâm linh. Nhưng trong thế giới vật chất, vì nhiều yếu tố, có thể cần một thời gian để có kết quả.
Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện, và Ngài sẽ đáp lại lời cầu nguyện đặc biệt của bạn theo Lời Chúa, nhưng đó là chính đức tin của bạn đem lại lời đáp. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu nói nhiều lần: “Tùy theo niềm tin của bạn”.
Ngài nói ngay tới niềm tin của chúng ta, mặc dù quyền phép Ngài có thể chữa lành, nhưng Ngài luôn nhấn mạnh rằng chính niềm tin là chất xúc tác. Thật vậy, khi Chúa Giêsu về tới quê hương, chúng ta được biết rằng “Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13:58).
Chúa Giêsu mất hết quyền phép khi về quê hương Nadarét? KHÔNG! Quyền phép Ngài không hề thay đổi. Vậy cái gì thay đổi? Đó là mức độ tin của người ta. Thiên Chúa không làm gì trái ý muốn của chúng ta. Ngài không thể vi phạm Ý CHÍ và QUYỀN TỰ DO của chúng ta. Nếu chúng ta không tin, Ngài sẽ không chuyên quyền mà giành lấy niềm tin của chúng ta.
3. Cầu nguyện tận hiến và cống hiến
Trong Lc 22:41-42, chúng ta thấy cách cầu nguyện tận hiến và cống hiến: “Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”.
Chúng ta chú ý rằng Chúa Giêsu cầu nguyện “không theo ý riêng Ngài” mà là “theo ý Cha”. Khi thiếu hướng dẫn trực tiếp, lời cầu nguyện tận hiến và cống hiến bảo chúng ta cho phép Chúa hướng dẫn và quyết đinh.
Khi sự hướng dẫn không rõ ràng, có những cách chọn có vẻ hợp lý, đúng đắn – đó là lúc chúng ta nói:“Lạy Chúa, nếu là ý Chúa, con sẽ chọn cách A” (tức là cách nào hợp lý nhất).
4. Cầu nguyện ca ngợi và thờ phượng
Trong cách cầu nguyện này, chúng ta không xin Chúa làm điều gì đó cho chúng ta. Thậm chí chúng ta không xin hướng dẫn và tận hiến cuộc đời điều mà Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta làm. Nghĩa là chúng ta chỉ ca ngợi Chúa, tạ ơn Ngài về phúc lành và lòng thương xót, và cho Ngài biết rằng chúng ta yêu mến Ngài lắm.
Cách cầu nguyện này có trong Lc 2:20, mô tả phản ứng của các mục đồng khi thấy Hài Nhi Giêsu: “Các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ”.
Trong Lc 18:43, một người mù được chữa lành để “làm vinh danh Chúa”. Câu này cũng nói rằng mọi người đã làm chứng phép lạ và cùng “ngợi khen Thiên Chúa”. Họ đã dùng cách cầu nguyện ca ngợi và thờ phượng.
Trong Ga 11:41, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con”, nói đến lời cầu nguyện trước liên quan Ladarô. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện ngắn gọn và rõ ràng bằng Kinh Lạy Cha: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11:2-4).
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Phi-líp: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4:6). Điều này cũng nói rằng khi dùng cách cầu nguyện tin tưởng, chúng ta cũng dùng cả cách cầu nguyện ca ngợi và thờ phượng.
5. Cầu nguyện hỗ trợ
Cầu nguyện hỗ trợ là xin giùm, nói giúp, cầu xin thay cho người khác – có thể vì lý do nào đó mà họ không thể cầu xin cho mình.
Trong Ep 1:15-18, Thánh Phaolô viết: “Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh, tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi. Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh”.
Ở đây Thánh Phaolô nói rõ rằng ngài thường cầu nguyện cho Hội thánh ở Êphêsô và cho những người ở đó được hưởng phúc lành. Ngài không cùng cầu nguyện với người khác, như vậy cách này có vẻ là cách tốt để nguyện giúp cầu thay.
Cũng vậy, Thánh Phaolô nói với dân Phi-líp: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Pl 1:3-4).
6. Cầu nguyện cầm buộc và tháo gỡ
Có lần Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18:18-19).
Có hai điều quan trọng ở đây. Thứ nhất, chúng ta có quyền trên thế gian nhờ giao ước qua Đức Giêsu Kitô; thứ nhì, phương hướng hoạt động. Những điều đó không bắt đầu từ trời và tới đất, nhưng hành động bắt đầu trên đất. Hãy chú ý: “Bất cứ điều gì anh em cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và bất cứ điều gì anh em tháo cởi dưới đất thì trên trời cũng tháo cởi”.
Cũng như mọi thứ trong hệ thống của Thiên Chúa, cách cầu nguyện này chỉ tác dụng khi kết hợp với Lời Chúa và Luật Chúa. Chứ chúng ta không thể cầm buộc được gì. Cầm buộc không tốt hơn tháo cởi để yêu thương.
Tuy nhiên, bạn có thể cầm buộc cái xấu tác động trong cuộc đời người ta hoặc tháo cởi cái tốt tác động nhân dnah trong cc1 lĩnh vực mà Thiên Chúa đã hứa kết quả. Khi chúng ta cầu nguyện theo cách này, Thiên Chúa xác định điều đó ở trên trời và đóng ấn tín vào lời cầu nguyện đó. Cầm buộc và tháo cởi phải dựa trên quyền mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Kinh Thánh, chứ không được dựa trên ý muốn của chúng ta.
Thiên Chúa đã cung cấp các dạng cầu nguyện với mục đích riêng. Mmac85 dù chúng ta dùng vài cách vào một lúc nào đó, quan trọng là phải rõ ràng về cách thức và lý do sử dụng, và phải biết giới hạn của nó. Nếu bạn theo những tấm gương trong Kinh Thánh, bạn phải sử dụng đúng cách.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ CharismaMag.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét