Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

9 CÁCH CẦU NGUYỆN CỦA THÁNH ĐA MINH

Lm Giuse Phan Tấn Thành, OP

Giới Thiệu

Cuốn sách chín cách cầu nguyện của thánh Đaminh có lẽ được viết tại Bô-lô-nha trong khoảng thời gian từ năm 1260 đến 1288 do một tác giả vô danh. Tác giả này đã nhận được nguồn tin từ chị Xê-xi-li-a, một nữ đan sĩ thuộc đan viện thanh A-nê (người đã lãnh tu phục từ tay thánh Đaminh) và những nhân vật khác đã có dịp tiếp xúc với vị thánh sáng lập dòng. Tài liệu đáng quí này chứng tỏ sự thánh thiện trổi vượt của thánh Đaminh đồng thời ở một mức độ nào đó cho thấy cuộc sống kết hợp mật thiết với tình yêu Thiên Chúa của người.
Các bản thảo tiên khởi về cách cầu nguyện của thánh Đaminh có kèm theo những bức tiểu hoạ diễn tả nhiều tư thế người đã thể hiện trong khi cầu nguyện. Codex Rossianus 3 trong bản thảo bằng tiếng Tây-ban-nha tại thư viện Vatican do một hoạ sĩ thời danh dùng những màu rực rỡ để vẽ nên mà hiện nay bức hoạ vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu. Những bản phác hoạ bổ xung để hiện tại hoá những bức hoạ cổ là những phóng tác của tu sĩ Jerome Newell, O.P.
Chín cách cầu nguyện đôi khi được in kèm theo như phần bổ xung về cuộc đời của thánh Đaminh do Theodoric of Apoldia, tuy nhiên đó không phải là một phần của tác phẩm. Có thể sự kiện trên được xác định nhân dịp đến Bologna dự tổng hội năm 1288 của cha giám tỉnh tỉnh dòng Đức Conrad of Trebensee. Tại đây người đã tìm thấy tài liệu về chín cách cầu nguyện của thánh Đaminh cũng như những tài liệu khác có liên quan đến thánh nhân và người đã mang về Đức giao cho Theodoric nghiên cứu, chính trong thời gian này Theodoric đã khởi sự viết tiểu sử cha thánh Đaminh.

Chín Cách Cầu Nguyện Của Thánh Đaminh

Các bậc thầy thánh thiện trong Giáo Hội như thánh Augustinô, Ambrosiô, Grêgoriô, Hilariô, Isidorô, Gioan kim khẩu, Gioan Damascenô, Bênađô và các thánh tiến sĩ thuộc nghi lễ Hy lạp cũng như La Tinh đã giảng giải rất chi tiết về các cầu nguyện. Các ngài đã khích lệ và diễn tà cách thức cầu nguyện cũng như chỉ ra sự cần thiết và giá trị của cầu nguyện, đồng thời giải thích những phương và những chuẩn bị phải có, bên cạnh đó các ngài cũng cho thấy những trở ngại của mỗi cách thức cầu nguyện.
Trong những cuốn sách uyên bác của mình, vị tiến sĩ sáng giá và đạo đức, tu sĩ Tôma Aquinô và Anbêtô thuộc dòng Anh Em Thuyết Giáo, cũng như Willam trong khảo luận của người về các nhân đức đã đề cao cách thức cầu nguyện mà linh hồn nhờ các chi thể để tung hô, thờ lạy Thiên Chúa là cách thức cầu nguyện thánh thiện, sốt sắng và tuyệt đẹp. Nhờ cách thức cầu nguyện này, linh hồn ở trong sự rung động của thân thể và được rung động nhờ thân thể. Đôi khi thân xác đạt đến sự ngây ngất trong tình trạng xuất thần như trong trường hợp thánh Phaolô hoặc được cuốn hút trong tinh thần hoan hỷ như thánh vương Đa-vít. Thánh Đaminh đã từng sử dụng cách thức cầu nguyện này và thật hợp lý khi chúng ta bàn một khiá cạnh nào đó về phương pháp cầu nguyện của người.
Thực ra, trong cả Cựu Ước và Tân Ước có nhiều vị thánh nổi tiếng đôi khi đã cầu nguyện như vậy. Cách thức cầu nguyện này giúp khơi dậy lòng đạo đức nhờ tác động xen kẽ của linh hồn trên thân xác và của thân xác trên linh hồn. Cách cầu nguyện này hẳn khiến thánh Đaminh đã khóc sướt mướt cũng như khơi gợi sự tha thiết nên thánh nơi người và với cảm xúc mạnh mẽ như thế làm cho thánh nhân không thể không diên tả tâm tình thờ phượng bằng những hành vi cụ thể nơi các chi thể của người. Như thế tâm tình cầu nguyện được cất lên thành những lời kêu cầu, khẩn nài và tạ ơn tha thiết.
Ngoài nhiều cách thức cầu đạo đức và truyền thống, thánh Đaminh dùng khi dâng thánh lễ và hát thánh vịnh, tiếp đến là những là những phương pháp cầu nguyện đặc biệt của người. Tại cung nguyện hoặc trên đường đi, khi thánh nhân thường bất ngờ được xuất thần chiêm ngưỡng Thiên Chúa và các thiên thần.

Cách Cầu Nguyện Thứ Nhất

Cách cầu nguyện thứ nhất của thánh Đaminh là cúi mình trước bàn thờ như thể trước Đức Kitô với ý nghĩa bàn thờ không chỉ là biểu tượng mà là sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Người đã dùng những lời trong sách Giu-đi-tha để thưa với Thiên Chúa “Lạy Chúa là Thiên Chúa, lời cầu nguyện của người khiêm nhường và hiền lành luôn làm đẹp lòng Ngài” (Gđt 9,16 ?). Chính vì khiêm nhường mà người phụ nữ Ca-na-an và người con hoang đàng đã nhận được những gì họ muốn ; phần con, “con chẳng đáng Ngài ngự vào nhà con” (Mt 8,8). “Lạy Chúa xin cho con biết hoàn toàn khiêm nhường trước tôn nhan Ngài” (Tv 118,107).
Trong cách thức cầu nguyện thứ nhất này, cha thánh Đaminh đứng thẳng, cúi đầu, khiêm tốn hướng về đức Kitô là thủ lãnh của người và đối chiếu sự thấp hèn của mình trước sự cao cả của Đức Kitô. Thánh nhân đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Người. Các anh em được dạy phải làm như vậy mỗi khi đi qua tượng Chúa Chịu Đóng Đinh để qua sự khiêm hạ tận cùng vì chúng ta của Đức Kitô, chúng ta có thể nhận ra thân phận tầm thường của mình trước sự uy nghi cao cả của Người. Cha thánh Đaminh còn truyền cho anh em thể hiện sự khiêm nhường theo cách thức này để tôn kinh màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh Vinh Tụng Ca “Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con cùng Vinh Danh Thánh Thần Thiên Chúa”. Thánh Đaminh bắt đầu cầu nguyện theo kiểu cúi đầu thật sâu như được chỉ trong bức hoạ.

Cách Cầu Nguyện Thứ Hai

Thánh Đaminh thường cầu nguyện bằng cách nằm duỗi dài và úp mặt trên đất. Thánh nhân cảm thấy hối hận, liên tưởng đến và đôi khi thốt lên thành tiếng lời Tin Mừng, người khác có thể nghe được “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Với lòng thành kính và sốt sắng, Thánh Đaminh lặp lại những lời của vua Đa-vít “ Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con đã có lỗi” (2 Sm 24,17). Sau đó người đã khóc lóc, kêu than thảm thiết và nói “con không đáng chiêm ngắm những sự cao cả trên trời vì thân con mang đầy tội lỗi, con đã khơi lên sự giận dữ nơi Ngài và đã làm điều dữ trước tôn nhan Ngài. Từ Thánh vịnh : “……, người đã nói một cách tha thiết và thành kính những lời này : mạng chúng con bị chôn vùi trong cát bụi, tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen” (Tv 43, 25). Người lại nói tiếp : “tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài xin cho con được sống” (Tv 118, 25).
Vì muốn cho anh em cầu nguyện sốt sắng, đôi khi người cũng nói với họ : “khi các nhà đạo sĩ thành tâm bước vào nhà, họ đã thấy Hài Nhi và đức Maria, mẹ của Người, họ đã sấp mình xuống thờ lạy Người. Không còn ngờ vực nữa, chúng ta cũng gặp Thiên Chúa làm Người và đức Maria nữ tỳ của Thiên Chúa. “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quì trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta” (Tv 94, 6). Thánh Đaminh cũng động viên những người trẻ : nếu không thể khóc cho tội của riêng mình vì không có tội, thì em hãy em hãy nhớ rằng có nhiều tội nhân cần đến lòng thương xót và quảng đại. Đó là điều mà các Ngôn sứ than khóc cho họ và Đức Giêsu khi thấy họ Người đã khóc thảnm thiết. Thánh vương Đavít cũng đã khóc “Con nhìn quân phản phúc mà ghê tởm”.

Cách Cầu Nguyện Thứ Ba

Kết thúc cách cầu nguyện vừa được trình bày ở trên, thánh Đaminh chỗi dậy và dùng một roi sắt để đánh mình, đang khi nguyện: "Lạy Chúa, Ngài ban ơn cứu độ làm khiên mộc chở che con, Ngài đưa tay uy quyền nâng đỡ, săn sóc ân cần giúp con lớn mạnh" , và nói “Luật Ngài sửa dạy con đến cùng” (Tv 17, 36).
Đây là lý do Dòng đã yêu cầu tất cả anh em giữ kỷ luật với que gỗ trên vai khi cúi xuống thờ lạy và đọc “Thánh vịnh Sám Hối” hoặc “Thánh vịnh Từ Vực Thẳm” sau Kinh Tối ngày thường để tưởng nhớ gương sáng của Thánh Phụ. Hình thức kỷ luật này được thực hiện để đền tội cho mình hoặc của những người mà mình đã sống nhờ bổng lộc của họ. Dù không có tội nhưng không ai được bỏ qua gương mẫu thánh thiện được minh hoạ nơi bức vẽ.

Cách Cầu Nguyện Thứ Tư

Thánh Đaminh ở lại trước bàn thờ hay phòng hội hoàn toàn chú tâm nhìn lên tượng Chuộc Tội. Thánh nhân đã đứng lên quì xuống liên tục không biết bao nhiêu lần. Đôi khi người tiếp tục từ sau Kinh Tối đến nữa đêm, lúc đứng, lúc quì như thánh Gia-cô-bê tông đồ hay như người phong cùi trong Tin Mừng, đã bái lạy Đức Giêsu và nói : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi nên sạch” (Mt 8, 2). Người cũng như thánh Stêphanô đã quì xuống và khóc lớn tiếng rằng : “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7, 60). Vì thế đã thành hình nơi phụ Đaminh lòng tín thác lớn lao vào lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chính mình, cho mọi tội nhân và phó thác sự trung thành của các anh em trẻ mà người đã sai đi rao giảng Tin Mừng. Đôi khi thánh nhân không thể kìm hãm được tiếng của mình, có những anh em đã nghe thấy người thì thầm : “Lạy Chúa, là Thiên Chúa của con, con kêu lên Ngài, xin đừng nỡ giả điếc làm ngơ. Vì nếu Ngài cứ im hơi lặng tiếng thì con sẽ giống như kẻ đã xuống mồ” (Tv 27,1) và những lời tương tự như vậy trong Kinh Thánh.
Tuy nhiên, có những lúc, người đã nói một mình và người khác không thể nghe được. Người vẫn quì lâu trong trạng thái ngây ngất và đang khi ở trong tư thế này, bất ngờ trên khuôn mặt người diễn tả tâm trạng thấu suốt trời cao đồng thời phản chiếu niềm vui tột độ khi người lau sạch những dòng. Thánh nhân đang ở trong giai đoạn khao khát, mong đợi như người khát tìm được dòng nước và như lữ khách về đến quê nhà. Sau đó, người trở nên chăm chú và hăng hái hơn khi đứng, lúc quì như đi vào cách thức cầu nguyện khác với ân sủng tràn đầy. Người cũng quen quì trước Thiên Chúa theo cách thức này trong quán trọ sau khi đã trải một hành trình vất vả, hoặc dọc đường đi các bạn đồng hành nghỉ ngơi hay đã ngủ. Thánh nhân thực hiện với những cử chỉ bái gối này như một hình thức cầu nguyện riêng tư và ấn tượng của mình. Người cũng dạy các anh em cách thức cầu nguyện này bằng gương sáng hơn là bằng lời nói.

Cách Cầu Nguyện Thứ Năm

Tại tu viện, đôi khi cha thánh Đaminh ở lại trước bàn thờ đứng thẳng không tựa mình vào đâu. Người thường để tay trước ngực trong tư thế cuốn sách mở, thanh nhân đứng rất nghiêm trang và cung kính như đang đứng trước sự hiện diện đích thực củaThiên Chúa. Đắm chìm trong cầu nguyện, người đã xuất hiện đang khi suy gẫm Lời Chúa và dường như người lặp lại lời đó cho chính mình với một giọng ngọt ngào. Thánh Đaminh thường cầu nguyện bằng cách thức này vì đó là cách cầu nguyện của Đức Giêsu như thánh Lu-ca đã kể lại cho chúng ta : “…Người vào hội đường như người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc sách” (Lc 4, 16). Tác giả Thánh Vịnh cũng nói với chúng ta rằng : “Pin-khát liền đứng ra phân xử, tai hoạ bỗng dứt ngay” (Tv 105, 30)
Đôi khi thánh Đaminh chắp tay lại, đan chặt các ngón tay với nhau trong khi đôi mắt đã đẫm lệ và tự kìm hãm không để trào ra. Lức khác người lại giơ tay ngang vai như một linh mục đang cử hành thánh lễ. Sau đó người có vẻ như đang chăm chú lắng nghe điều gì đó được nói từ bàn thờ. Nếu có ai đó đã nhìn thấy thái độ hết sức cung kính của thánh nhân khi người đứng thẳng và cầu nguyện, chắc hẳn người đó nghĩ rằng mình đang chiêm ngắm một vị ngôn sứ, trưóc tiên đang đối thoại với một thiên sứ hoặ với chính Thiên Chúa, Thứ đến là đang lắng nghe sau đó là thinh lặng suy nghĩ về những điều đã được mặc khải.
Trên đường đi, thánh Đaminh thường bí mật giành giờ cho việc cầu nguyện, đứng lại và ngay lập tức hướng lòng trí về trời. Người ta đã nghe thấy thánh nhân nói những lời yêu thương hoan lạc phát xuất từ tâm hồn và từ sự phong phú của Kinh Thánh mà dường như như người đã rút từ nguồn mạch của Đấng Cứu Thế. Các anh em được lay động rất nhiều nhờ chúng kiến người cha và cũng là bậc thầy cầu nguyện của mình. Do đó anh em càng trở nên sốt sắng hơn nhờ được chỉ dạy cách thức cầu nguyện thành kính và kiên trì này : “Quả thực như mắt của giai hướng nhìn tay ông chủ, mắt của nữ tì hướng nhìn tay bà chủ…”

Cách Cầu Nguyện Thứ Sáu

Người ta còn chúng kiến cha thánh Đaminh đứng thẳng giang tay như hình thánh giá cầu nguyện một cách trang trọng. Chị Cecilia, một nữ đan sĩ thánh thiện và tốt lành, chị đã cùng với nhiều người khác đã tiếp xúc với thánh Đaminh kể lại rằng, thánh nhân đã dùng cách cầu nguyện này khi Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của người đã làm cho cậu Na-pô-lê-ông sống lại tại phòng thánh nhà thờ thánh Sixtus ở Rô-ma và khi người chỗi dạy từ mặt đất để dâng thánh lễ. Cha Đaminh giống như ngôn sứ Ê-li-a, người đã giơ tay và đặt trên con trai một quả phụ khi cầu xin cho em được sống lại.
Thánh Đaminh đã cầu nguyện một cách tương tự như vậy gần Toulouse sau khi đã cứu thoát đoàn hành hương người Anh khỏi nguy hiểm trên sông. Đức Giêsu, Chúa chúng ta cầu nguyện như vậy đang khi Người bị treo trên thập giá với đôi tay mở rộng và như trong thư gởi tín hữu Do thái có viết : “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc… và Người đã được nhận lời vì có lòng tôn kính” (Dt 5, 7).
Thánh Đaminh không dùng cách cầu nguyện này trừ khi được Thiên Chúa soi sánh cho biết một điều gì đó vĩ đại vàphi thường sắp xảy đến nhờ sức mạnh lời cầu nguyện của người. Mặc dù không cấm cản nhưng cha thánh không khuyến khích anh em cầu nguyện theo cách thức này. Chúng ta không biết người đã nói gì khi đứng giang tay cầu nguyện và khi cậu Na-pô-lê-ông sống lại. Có lẽ đó là những lời của ngôn sứ Ê-li-a : “Lạy Đức Chúa,Thiên Chúa của con, xin cho hon viá đứa trẻ này trở về với nó” (1 V 17, 21). Chắc hẳn cha thánh đã tuân theo cách thức bên ngoài của ngôn sứ Ê-li-a trong những laần phải dùng đếng cách cầu nguyện này. Tuy nhiên, các anh chị em cũng như các nhà quí tộc, các hồng y và tất cả những người có mặt, đã quá bị thu hút bởi cách cầu nguyện hết sức phi thường và lạ lùng nên đã không nhớ được những lời người nói. Sau đó họ cũng không dám hỏi cha thánh về những sự kiện này bởi vì qua phép lạ, con người thanh thiện và đặc biệt này đã ghi khắc trong họ một tâm trạng trân trọng và tôn kính thật lớn lao.
Với một thái độ trang nghiêm và thành kính, thánh Đaminh đã đọc chậm những lời Thánh Vịnh, được kể như cách thức cầu nguyện này. Người thường đọc một cách chăm chú : “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước thánh nhan đêm ngày con kêu cứu”. Người tiếp tục đọc cho đến câu : “Lạy Chúa suốt cả ngày con kêu lên Chúa và giơ tay hướng thẳng về ngài” (Tv 87,2-10).
Sau đó, cha thánh đọc thêm : “Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, lắng nghe con nài van bởi Ngài thành tín...”. Kế đó, thánh nhân lại tiếp tục cầu nguyện bằng những lời này : “hai tay cầu Chúa giơ lên... xin nghe con lạy Chúa” (Tv 1142, 1-7).
Vì vậy, gương mẫu cầu nguyện của cha thánh, chắc hẳn sẽ giúp cho các tâm hồn sớm nhận ra sự nhiệt thành và sốt sắng của người khi cầu nguyện. Quả vậy khi cầu nguyện như thế thánh Đaminh ước ao khơi gợi lòng thương cảm phi thường nào đó nơi Thiên Chúa hoặc khi thánh nhân cảm thấy qua sự thúc bách nội tâm, Thiên Chúa muốn mời gọi người tìm kiếm đặc sủng nào đó cho chính mình hay cho những người xung quanh. Kế đó, với lòng sùng kính sâu thẳm, người chiếu toả sự khôn ngoan thiêng liêng của vua Đa-vít, sự nhiệt thành của ngôn sứ Ê-li-a, lòng khoan dung của Đức Kitô như được minh hoạ trong hình vẽ.

Cách Cầu Nguyện Thứ Bẩy

Người ta cũng thường chứng kiến, đang khi cầu nguyện thánh Đaminh giơ tay hướng về trời như mũi tên được bắn thẳng vào bầu trời từ một cây cung căng. Thánh nhân đứng chắp tay giơ cao trên đầu, đôi khi người nhẹ nhàng tách ra một như sắp đón nhận một điều gì đó từ trời. Người ta tin rằng thánh Đaminh đang lãnh nhận nguồn ân sủng và trong trạng thái xuất thần người cầu xin Thiên Chúa ban những ân huệ Thánh Thần cho hội dòng người đã sáng lập.
Dường như thánh Đaminh tìm kiếm cho chính mình và cho các anh em chút ít niềm vui thiêng liêng cảm nghiệm từ việc sống tinh thần Tám Mối Phúc, khi cầu nguyện như thế mỗi người sẽ thực sự cảm thấy được chúc phúc trong nghèo khó, khóc lóc, bách hại, đói khát sự công chính và thương xót mọi người. Thánh Đaminh cầu nguyện cho con cái người cảm nhận được niềm vui trong việc tuân giữ các điều răn và sống trọn vẹn những lời khuyên Phúc Âm. Sau đó đầy hoan lạc, cha Đaminh xuất hiện để tiến vào nơi cực thánh và Tầng Trời Thứ Ba. Sau cách thức cầu nguyện này dường như thánh nhân trở thành một vị ngôn sứ trong việc khiển trách những sai xót và hướng dẫn người khác hoặc trong giảng thuyết.
Cha thánh không ở lại trong cách cầu nguyện này lâu giờ nhưng người đã dần dần thu lại tràn đầy năng lực của mình. Lúc này thánh Đaminh được xem như một người đến từ nơi rất xa hay như người ngoài hành tinh, điều này dễ dàng nhận thấy nơi vẻ mặt và bộ dạng của người. Kế đó chắc hẳn anh em nghe người cầu nguyện lớn tiếng và nói như một ngôn sứ : “Khi con hướng về nơi cực thánh giơ đôi tay cầu cứu van nài, xin ngài nghe tiếng con khấn nguyện” (Tv 27, 2).
Qua những lời và gương mẫu thánh thiện của mình thánh Đaminh luôn luôn dạy cho các tu sĩ theo cách này, thường xuyên lặp lại những lời Thánh Vịnh : “Hỡi những người tôi Chúa ứng trực suốt đêm trong thánh điện, nào chúc tụng Chúa đi ! Hãy giơ tay hướng về cung thánh mà dâng lên lời chúc tụng Người…” (Tv 113,1-3). “Lạy Chúa con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài mau đến phù trợ con. Xin lắng nghe lời con khi con kêu lên Ngài. Ước chi lời con nguyện bay toả trước tôn nhan và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 140, 1-2). Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về cách cầu nguyện này của cha thánh qua bức hoạ.

Cách Cầu Nguyện Thứ Tám

Cha thánh Đaminh còn có một cách cầu nguyện khác vừa đẹp, vừa nghiêm trang và dễ chịu mà người thường thực hiện sau các giờ kinh nguyện cũng như tạ ơn sau các bữa ăn. Khi đó người sốt sắng và đầy lòng tôn kính mà người đã rút tiả từ lời Chúa được hát trong cung nguyện hay trong nhà ăn. Cha Đaminh nhanh chóng rút vài nơi vắng vẻ nào đó, phòng riêng hay nơi khác và hồi tâm trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Người cầu nguyện trước hình thánh giá và đọc cuốn sách đã được mở sẵn trước mặt. Sau đó, tâm hồn của người được lay động ngọt ngào như thể nghe được tiếng Chúa đang nói mà chúng ta đã đọc thấy trong Kinh Thánh : “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán, điều Thiên Chúa phánh là lời chúc bình an cho dân Người” (Tv 84, 9). Trước tiên người tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong tư tưởng và lời nói như đang tranh luận với một người bạn. Ngay sau đó, người trở nên im lặng lắng nghe, rồi ra như thảo luận và tranh cãi. Dường như cùng một lúc người vừa khóc vừa cười, sau đó lại ân cần, ngoan ngoãn thầm thĩ đấm ngực.
Nếu một người hiếu kỳ nào đó ao ước được nhìn thấy thánh Đaminh lúc này, hẳn người đó sẽ nhận thấy người giống như ông Mô-sê khi đi vào sa mạc, lên núi thánh Horeb của Thiên Chúa, và ở đó ông đã chứng kiến bụi gai đang cháy và nghe tiếng Đức Chúa vì ông đã phủ phục trước sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa. Thiết tưởng rằng, hình thức cầu nguyện này của cha thánh được ví như vị ngôn sứ tiến lên núi thánh của Thiên Chúa vì thánh nhân đã nhanh chóng chuyển từ việc đọc sách sang cầu nguyện, đến suy niệm và rồi đi vào trong chiêm niệm.
Khi đọc sách một mình theo cách thức riêng này, thánh Đaminh rất trân trọng cuốn sách, thái độ đó thể hiện qua việc người cúi chào và hôn sách. Cung cách này được thể hiện một cách đặc biệt đối với sách Tin Mừng, và khi đọc đến những lời của Đức Kitô. Lúc khác, thánh Đaminh ẩn mặt đi và lấy áo choàng phủ lên, hoặc giấu mặt trong hai bàn tay, rồi lấy mũ đậy lại một cách so sài. Kế đó người khóc với tất cả lòng tha thiết và đầy những ước muốn thánh thiện. Tiếp đó thánh nhân đứng lên và cúi đầu một lát như thể tạ ơn một người tốt bụng nào đó vì những ơn đã lãnh nhận. Khi đã hoàn toàn tươi tỉnh, người trở lại với cuốn sách của mình trong sự bình an nội tâm vô tận.

Cách Cầu Nguyện Thứ Chín

Cha thánh Đaminh đã cử hành cách cầu nguyện này đang khi trên đường đi du thuyết từ miền này đến miền khác, đặc biệt khi người đi qua một vùng hoang vắng nào đó. Sau đó người hân hoan đưa mình hoàn toàn vào trong suy niệm, rồi sang chiêm niệm và lúc này người đã nói với những người đồng hành lời được viết trong sách ngôn sứ Hô-sê : “Ta sẽ đưa nó vào sa mạc để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2, 14). Tách khỏi đoàn đi, thánh Đaminh đi lên phía trước hoặc thường xuyên hơn người đi sau một quãng, vừa đi vừa cầu nguyện, trong suy niệm người được hâm nóng tâm hồn và ngọn lửa nhân ái nơi người được đốt lên. Đang khi cầu nguyện, người đã tự làm cho mìnhthêm vững mạnh bằng cách làm dấu thánh giá liên tục như thể có bụi hay côn trùng đang bay trước mặt.
Anh em nghĩ rằng trong khi cầu nguyện theo cách thức này cha thánh thấm nhuần Kinh Thánh và hiểu thấu đáo Lời Chúa, đó là sức mạnh để người nhiệt thành và can đảm giảng thuyết, đồng thời cách cầu nguyện này giúp thánh nhân thấu hiểu tường tận về Chúa Thánh Thần, nhờ đó người khám phá được những điều bí ẩn nơi Thiên Chúa.

(Nguồn : tinmung.net)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét