Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

ĐA ĐOAN CÔNG CUỘC TỪ THIỆN


Công cuộc từ thiện trong một thế giới mà cách biệt giàu nghèo vẫn còn nổi cộm thực sự chẳng dễ dàng gì, ngay cả khi cho đi thứ mình có
Trong những tháng cuối năm 2015, chuyện thế giới, thiện, ác đều có đủ. Nếu người người căm giận sự tàn ác của vụ khủng bố máy bay Nga hay thảm sát ở Paris thì cũng có những cảm kích nhất định trước tấm lòng của các tỷ phú rộng tay với công cuộc từ thiện. Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, trở thành “tâm điểm” của việc thiện khi vừa quyết định sử dụng 99% số cổ phiếu hiện có của mình tại Facebook, tương đương hơn 45 tỷ USD, cho các hoạt động thiện nguyện và cộng đồng.

Cho và nhận không đơn giản

Thế giới hàng tỷ người không ai giống ai, sự cách biệt giàu nghèo vẫn còn là hố sâu quá lớn nên công cuộc làm từ thiện không đơn giản. Vẫn biết người ta không thể cho những gì mình không có, nhưng ngay cả cho đi thứ mình có cũng chẳng dễ dàng gì. Số tiền làm từ thiện lớn nhất lịch sử tính đến nay của Mark Zuckerberg, bên cạnh những tiếng vỗ tay cũng vẫn phải nhận những đánh giá dễ làm nản lòng người mở hầu bao.
Tại sao ngay cả việc từ thiện cũng đa đoan như lòng người đến thế? Các nhà tâm lý xã hội đã giải thích hành động từ thiện ngả về ba hướng sau đây. Thứ nhất, vì vị tha thuần túy, “tôi cho đi vì tôi nghĩ xã hội sẽ tốt hơn nhờ công cuộc từ thiện”. Thứ hai, người ta rộng tay để thấy mình có giá trị khi sống đã giúp xã hội tốt hơn. Cuối cùng, có những người làm từ thiện thuần túy chỉ để phô mình, chứng tỏ họ giàu có, thành đạt xã hội. Trong cuộc đời mỗi người có lẽ ai cũng đã từng một lần cho đi thứ gì đó. Dù vẫn có những nhà tâm lý không đánh giá cao việc làm từ thiện vì họ cho rằng người ngửa tay nhận “bố thí” phải chịu đựng thêm một sự đánh giá khác từ đồng loại là thấp kém, nghèo hèn, thuộc tầng lớp khác… Điểm tích cực là con số người làm từ thiện đang ngày càng nhiều trên thế giới, bất chấp họ thuộc nhóm nào.
Nói đến hai chữ “từ thiện”, người ta vội nghĩ ngay đến các tỷ phú, các đại gia lắm tiền nhiều của hy sinh bớt phần gia sản để giúp đỡ đồng loại mà ít nghĩ đến những người bình dân làm “bố thí”. Có một sự thực đáng ngạc nhiên là ngay tại Mỹ người nghèo làm từ thiện cao hơn người giàu nếu tính theo phần trăm thu nhập. Người bình dân có khuynh hướng hay giúp đỡ những tổ chức tôn giáo, dịch vụ xã hội, trong khi người giàu bỏ tiền hỗ trợ giáo dục, nghệ thuật và môi trường. Ngay cả những ai chưa từng bao giờ làm từ thiện cũng được các nhà xã hội “cảm kích” chứ không đánh giá theo hướng tiêu cực là họ vô cảm. Vì như Công tước Ellington từng nói: “Vị kỷ, ở một khía cạnh nào đó, cũng là một đức tính, đó là bản chất để sống còn. Ai không tự sống được thì không thể bảo vệ những người mình yêu thương”. Nghĩa là bạn không thể cho thứ mình không có. Còn nếu gắng gượng tìm mọi cách để làm từ thiện, có thể bạn sẽ hại bạn, hại người khác hơn là giúp đỡ.

Nhóm người được dạy cần làm từ thiện

“Từ thiện” là thuật ngữ xã hội tiếng Việt khá chung chung trong khi hành động tích cực này trong ngôn ngữ thế giới lại khá đa dạng và rõ ràng trong những tiêu chí làm từ thiện. Từ tiếng Anh, “charity” bắt nguồn từ “caritas” tiếng Latin, nghĩa là “yêu tha nhân vô điều kiện”. Tín đồ của hầu hết các tôn giáo, đạo giáo đều làm từ thiện theo những gì được giáo lý, tiền nhân dạy bảo. Cách làm từ thiện nay bao gồm tính trong sáng không vụ lợi. Họ không cần suy nghĩ nhiều và xem hành vi đều đều bỏ chút tiền vào hòm công đức hay cúng dường là một hành vi sống có đạo. Các cộng đồng xã hội ngoài tôn giáo nay cũng đang phát triển nhiều, nuôi dưỡng truyền thống làm từ thiện của người bình dân và đó là điểm sáng lớn giúp cân bằng cán cân thiện-ác.

Những nhà hảo tâm, phong trào làm từ thiện

Từ thiện trong tiếng Anh còn là “donor” (những nhà hảo tâm) bắt nguồn từ động từ “donare” (cho đi) của tiếng Latin. Nhà hảo tâm nói chung là một cá nhân, một tổ chức hay đoàn thể tự nguyện cống hiến tiền bạc của cải, thời giờ công sức cho một mục đích tốt nào đó. Cuộc sống càng văn minh, dạng từ thiện này càng phát triển nhưng cũng càng trở thành đa đoan, lắm vấn đề. Chính dạng làm từ thiện “donor” này đang đẻ ra hai khía cạnh tiêu cực gây tranh cãi, một là thúc ép người khác làm từ thiện, hai là làm từ thiện theo phong trào. Khi các đại gia Việt bỏ tiền tỷ mua giường, sắm siêu xe, xây lăng mộ… những người lên tiếng phê phán “sao không để tiền ấy làm từ thiện” liền bị dân mạng thi nhau “ném đá” là dân đạo đức giả. Còn các vụ lùm xùm của các quỹ từ thiện ăn theo thì thực sự kể ra không hết.
Tại nước ta hiện nay con số cá nhân, gia đình, đoàn thể và nhất là các doanh nghiệp đang thi nhau làm từ thiện ngày càng nhiều. Hầu như các sự kiện lớn nhỏ của các công ty đều có chút dính dáng đến từ thiện. Đó cũng là tâm lý kinh doanh, bởi theo thống kê, 86% người tiêu thụ toàn cầu tin dùng sản phẩm của những thương hiệu làm từ thiện nhiều nhất. Ở mức độ nào đó, nhiều nhà hảo tâm xuất hiện là theo khuôn mẫu “tấp tểnh người đi, tớ cũng đi”, hoặc xem đó là một phong cách không thể thiếu của lối sống thành đạt. Thế nên khó tránh khỏi lấy việc phô trương, đánh bóng tên tuổi làm mục đích chính. Thậm chí bây giờ các mạng xã hội, công nghệ quảng cáo truyền hình cũng nhảy vào để hô hào người khác làm từ thiện.
Với cách làm từ thiện “show off” này, thế giới đã xảy ra hàng loạt vụ bê bối dẫn đến quỹ từ thiện kiểu này đang sụt giảm nhanh trong những năm gần đây. Dính dáng đến chúng không ít tên tuổi người của công chúng đã nhúng chàm từ Paula Abdul, Lady Gaga, Kanye West đến Lance Armstrong, Madonna hay Tom Cruise và vợ cũ Katie Holmes. Tuyên bố kiểu làm từ thiện khá đặc biệt (không mở quỹ mà mở công ty TNHH, không cho đi tiền mặt mà cho đi cổ phiếu…) của ông chủ Facebook mới đây cũng đang bị cho là mang động cơ đánh bóng thương hiệu khi bị so sánh với cách làm từ thiện truyền thống và bài bản lẫn vô tính toán của vợ chồng Bill Gates, Warren Buffett…
cong-cuoc-tu-thien-hinh-anh

Những con người trái tim cao hơn cái đầu

Trong ngôn ngữ thế giới, từ thiện còn một từ nữa là philanthropy, một từ nguyên của Hy Lạp, có nghĩa là “yêu thương nhân loại” với nội dung gồm tinh thần quan tâm, nuôi dưỡng, phát triển và tăng cường những gì liên quan đến chất lượng cuộc sống của con người. Từ thế kỷ 20, những nhà làm từ thiện theo ngữ nghĩa này thường là các tỷ phú, những nhân vật tích lũy được nhiều tiền nhất trên thế giới. Họ là những cá nhân, gia đình hay hình thành các cộng đồng như nhóm Giving Pledge (các tỷ phú cho đi 50% tài sản do Warren Buffett và Bill Gates hô hào). Họ làm từ thiện bằng cách hy sinh tiền bạc để cải thiện, duy trì và phát triển hành tinh xanh này trong các mảng từ y tế, giáo dục, dịch vụ sống, văn hóa nghệ thuật, môi trường, công nghệ, kinh tế và cả tôn giáo.
Sự khác biệt giữa những kiểu từ thiện này khá rõ ràng. “Charity” là làm từ thiện để xoa dịu, làm giảm những nỗi đau của xã hội, trong khi những nhà từ thiện “philanthropy” cố gắng giải quyết từ gốc rễ các vấn đề. Chúng là kiểu khác biệt giữa một bên “cho con cá để người khác ăn khỏi đói”, một bên là “tặng cần câu để kiếm cá mưu sinh”. Khác biệt lớn nữa giữa tổ chức từ thiện của các tỷ phú (philanthropist) và các nhà thiện nguyện tầm trung, nhà hảo tâm (donor) là công cuộc từ thiện vĩ mô của nhóm tỷ phú đã trở thành một đại sự, phải hội tụ đủ 4 yếu tố mới thành công. Một là họ phải có động lực đam mê khao khát tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho phần nhân loại không may, hai là họ phải có yếu tố để cho đi, không là tiền bạc cũng là thời giờ, ba là họ phải có óc sáng tạo, biết nhìn xa trông rộng để tiếp cận những cách thức mới để giải quyết vấn đề. Cuối cùng nhóm phải có cái đầu biết lãnh đạo, tổ chức, định hướng và gây ảnh hưởng tốt trên các thành viên khác.

Năm 2015 ai cho đi nhiều nhất?

> Myanmar, Mỹ và New Zealand là Top 3 các quốc gia làm từ thiện nhiều nhất.
> Đóng góp tiền bạc và giúp người khác tăng trong khi nhóm tình nguyện giảm.
> Lần đầu tiên trong 6 năm khảo sát, nam giới cho đi tiền bạc nhiều hơn phụ nữ.
> Chỉ có 5 quốc gia G20 nằm trong Top 20 các quốc gia làm từ thiện nhiều nhất cho thấy thịnh vượng chưa chắc đã có lòng đại lượng nhất. Nga (129) lẫn Trung Quốc (149) đều ở trong nhóm áp chót.
> Những quốc gia tiến bộ nhất trong bảng xếp hạng hảo tâm so với năm ngoái là Croatia (hạng 62), Kyrgyzstan (18), Kazakhstan (56), Ba Lan (78), Luxembourg (33). Việt Nam xếp thứ hạng 79.
BÀITRẦN TRUNG
ESQUIRE VIỆT NAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét