Câu chuyện về thảm họa động đất ở Nepal đang làm dư luận thế giới xôn xao trong những ngày này. Người ta đều thấy nỗi cùng cực của người dân Nepal, nhưng những câu chuyện bên lề cũng là chủ đề đáng quan tâm. Trong đó, việc người dân ở đất nước Nam Á này không nhận được cứu trợ đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Người ta nói nhiều về sự thiếu thốn phương tiện vận chuyển phục vụ cho công tác cứu trợ ở đất nước này. Người ta cũng bàn đến địa thế cách trở của những vùng có nạn nhân sống sót. Nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho người dân Nepal vẫn đang loay hoay trong cơn đại nạn là bác ái ngụy trang.
Những tổ chức, cá nhân rầm rầm đưa nhau lên các phương tiện truyền thông để “khoe” chiến tích hỗ trợ những người xấu số Nepal. Hàng loạt con số ấn tượng trong ngân quỹ hỗ trợ nạn nhân động đất thi nhau nhảy múa. Rất nhiều chiến dịch tình nguyện giúp đỡ Nepal được PR rầm rộ. Ẩn sau tất cả có thể là bác ái ngụy trang.
Tất nhiên, chúng ta không được phép phủ nhận những hỗ trợ cần thiết của cộng đồng quốc tế đối với Nepal. Việc phủ nhận là một hàng động đáng lên án. Thế nhưng, khi nhìn vào thực tế, những giọt nước mắt đã gần khô của những người dân bị bỏ rơi trong cuộc hỗ trợ này, ta không thể không nhắc đến bác ái ngụy trang.
Khi nói đến bác ái, người ta nghĩ ngay đến khía cạnh tích cực của chữ “Nhân”. Đôi lúc, sự mặc định về đặc tính của khái niệm này trong tư duy nhận thức của chúng ta làm cho khái niệm này trở nên đơn điệu hoặc giảm thiểu ý nghĩa. Trong khi, thực tế cuộc sống có những nghịch lý thú vị. Sự phong phú khôn lường của Đấng tạo thành vạn vật đã phú bẩm cho chúng tính chất đó. Và ở đây, qua câu chuyện của người dân Nepal, tôi muốn đề cập đến một biểu hiện nhỏ của nghịch lý thú vị đó qua khái niệm: bác ái ngụy trang(The dummy charity).
Bác ái ngụy trang là khái niệm chuyển nghĩa, với mục đích tạo ra tính chất đối lập so với khái niệm gốc. Bác ái ngụy trang là bác ái không chân thực, không ngay chính. Bác ái ngụy trang là làm điều tốt bằng ý hướng xấu, làm điều đẹp mà không có nhân văn trong tâm nguyện. Nó là vỏ bọc cho bác ái có toan tính. Vỏ bọc ấy chứa đựng sự ích kỷ, vụ lợi. Mọi việc ta làm đều có mục đích, động cơ. Động cơ có thể tinh tuyền hoặc bất chính. Và động cơ của bác ái ngụy trang là động cơ không lành mạnh, động cơ mang tính quy ngã. Để diễn tả kiểu bác ái này, Kinh thánh cũng sử dụng một số thuật ngữ tương tự, như “giả hình” (Rm 12,9; 1Pr 2,1),
“giả dối” (Cr 6,6), “tư lợi” (1Cr 13,5)…
Dựa vào mức độ ngụy trang, tôi xin đưa ra 4 cấp độ của bác ái ngụy trang:
Cấp độ 1: Bác ái vì tư lợi
Đây là loại bác ái được ngụy trang lộ liễu nhất. Lấy danh nghĩa làm việc bác ái, chủ thể thực hiện đang tìm kế hoạch đầu tư cách thực dụng, xem những gì mình cho đi như một loại vốn có thể sinh lời. Bằng cách này, họ có thêm cơ hội để tìm danh tiếng, xây dựng thêm các mối quan hệ. Họ đang xem người nhận hành động được gắn mác “bác ái” chỉ là chiếc cầu trung gian, là đồ lót tay để thực hiện hành động vị kỷ của mình.
Tư lợi trong bác ái thể hiện rõ ràng khi các tổ chức một tay hỗ trợ Nepal, một tay thi nhau thông báo tên tuổi để PR danh tiếng.Vì muốn giữ quan hệ ngoại giao lâu dài, nước này“ném” cho nước kia một khoản tiền hỗ trợ để sau còn “dễ làm ăn”.Hay những cô hoa hậu xúng xính váy áo đi làm từ thiện với sự hỗ trợ rầm rộ của truyền thông để được tung hô là “Người đẹp nhân hậu”.
Khi làm kiểu bác ái này, người trên muốn gây thiện cảm với người dưới, người giàu muốn có được sự ủng hộ của người nghèo, người ban phát muốn nhận được ân huệ, lòng biết ơn của người nhận. Vì thế, mới có chuyện những quan chức đi làm từ thiện phát biểu một bài giảng thuyết thật dài, thật hoành tráng để “dân đen” có thể xuýt xoa thán phục. Họ tự mãn với thói thích khoe mẽ, cậy quyền của mình.
Cấp độ 2: Bác ái để tránh áy náy
Thay vì hân hoan, hạnh phúc khi được cho đi, những người làm việc bác ái này muốn tránh cảm giác khó chịu, áy náy. Sự quấy rầy, làm phiền của những người xung quanh buộc họ phải cắn răng làm việc bác ái cho xong. Có thể, họ vừa hy sinh, vừa quằm roằm. Câu chuyện “Người bạn quấy rầy”(Luca 11, 5-8) trong sách Luca là ví dụ sinh động về loại bác ái này. Không phải vì thương cảm người hàng xóm, mà bí cực người chủ nhà mới đưa bánh cho anh ta.
Một biểu hiện nữa của loại bác ái này là làm chỉ để giữ thể diện, thanh danh, tránh búa rìu dư luận. Vì không muốn “thua anh kém chị”, không muốn dư luận thế giới lên án,cộng đồng này cũng “tặc lưỡi” cho qua mà chi ra một khoản tiền hỗ trợ không nhỏ để được an phận, khỏi bị dị nghị.
Hay đơn giản, vì không muốn mang tiếng là vô cảm, lạnh lùng, ta vội vứt 5000 xuống mũ của đứa bé đang ngồi ủ rủ bên đường để rồi đi thật nhanh. Vì không muốn mất lòng bề trên, ta có thể bấm bụng đi giúp đỡ người nghèo, bệnh tật, dù trong lòng nghĩ họ nhơ nhớp, hôi hám. Hay muốn giữ được cảm tình, ta không dám từ chối giúp đỡ một người nào đó nơi công cộng, dù trong lòng không một chút thích thú.
Cấp độ 3: Bác ái vì bổn phận
Với cấp bậc này, ta cho đi như cách để trả nợ, thanh toán một nghĩa vụ không thể chối bỏ. Tính trung dung, vô thưởng vô phạt ở đây là chủ đạo. Đích thực, tình yêu là món nợ của ta với anh em. “Anh em đừng mắc nợ ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8).Những người xung quanh đều là chủ nợ của ta, với món nợ không thể xóa. Nhưng với việc thực hành loại bác ái này, tính chất nguyên tuyền của bác ái không còn. Ta trả món nợ không phải vì ta đáng trả, mà chỉ là tình thế bắt buộc phải trả. Ta cho đi những cái dư thừa, không cần thiết hoặc chưa dùng tới. Việc làm này không bị trách là vị kỷ, cũng chẳng đáng khen là vị tha.
Bổn phận của các ngân hàng, liên hiệp quốc tế là đưa tiền cho Nepal, chứ chẳng quan tâm số tiền đó có đến được tay nạn nhân hay không. Người ta thực hiện bổn phận là xong mà.
Cấp độ 4: Bác ái để tạo khoái cảm
Đây là loại bác ái được ngụy trang ở mức độ tinh vi nhất. Nếu không suy xét kỹ, ta khó có thể nhận ra mặt tiêu cực của nó. Động cơ làm việc bác ái loại này là để tạo khoái cảm thỏa mãn chủ thể thực hiện. Có người chỉ vì yêu thích hoạt động này nên đâm đầu vào nó. Có người cho đi để thấy mình cao thượng, có lòng thương xót. Họ hạnh phúc khi tự nhận thấy mình có những đặc tính đó. Cái việc thỏa mãn bản thân có thể là mục đích không xấu của việc bác ái. Nó bớt tiêu cực hơn so với cảm xúc khi làm việc bác ái ở cấp độ 2.
Tựu trung, bốn loại bác ái ngụy trang này đều có chung một mẫu số, đó là tính vị kỷ, quy ngã. Đặc tính tiêu cực này làm nên bản chất của bác ái ngụy trang. Việc bác ái không vì người đón nhận hành động mà vì chính bản thân chủ thể thực hiện.
Ngược lại, với bác ái đích thực, chúng ta giúp đỡ anh em không những vì họ được Thiên Chúa yêu, hoặc vì Ngài muốn ta yêu họ, nhưng là vì tình yêu trong Thần Khí đã được Ngài đặt trong chúng ta. Khi chúng ta yêu, chính là lúc Đức Kitô yêu trong chúng ta, yêu bằng quả tim nhân loại nơi Người. Khi ấy, yêu thương trong bác ái mới là một hành vi bản chất của chúng ta.
Bác ái đích thực loại trừ mọi yếu tố đi ngược lại với tình thương. Đó là cho đi chỉ muốn nhận lại, muốn khoa trương việc bác ái, muốn thỏa mãn cái ích kỷ tiêu cực… Bác ái đích thực tồn tại khi chúng ta nhìn anh em bằng đôi mắt và con tim chan chứa tình yêu Đức Kitô; chứ không phải là vị kỷ, hẹp hòi và giả dối. Lời nhắc nhở của thánh Gioan thật chí tình: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).
Người đàn bà trong câu chuyện “Bà góa và hai đồng tiền”(x. Lc 21,1-4; Mc 12,41-44) trong Kinh thánh, hay ở gần Nepal, Mẹ Têrêxa Calcutta là những hình ảnh sống động về tinh thần bác ái đích thực.
Xã hội hiện nay đang phát triển cách năng động. Việc khám phá tình yêu chân thực đôi khi bị lãng quên khi chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy đó. Nhu cầu yêu và được yêu hiện nay đang bị che lấp bởi một thứ bác ái ngụy trang. Bác ái đích thực đang dần bị bóp nghẹt. Càng văn mình, càng hiện đại, lớp ngụy trang ấy càng dày, càng tinh vi. Người ta cũng tôn vinh cái tôi cá nhân, cái tôi ích kỷ. Tính quy ngã trở thành trung tâm của mọi vấn đề.
Để Nepal bớt khổ, bớt đau, bác ái ngụy trang nên được triệt tiêu. Để Nepal có thể cười sau những tháng ngày u tối, bác ái đích thực cần được gieo mầm và nảy sinh hoa trái.
Đức Tình
(Nguồn : gpcantho.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét