Có người cho rằng ''Sabat'' hay ''Chúa Nhật'' chỉ là ngày không được lao động, rằng đó là luật của ''con người'', chứ không phải của Thiên Chúa! Chính vì thế, dựa vào Kinh Thánh, Giáo Lý, tôi xin tóm tắt ý nghĩa của ''Sabat, Chúa Nhật'' và việc tuân giữ hai Ngày Ấy.
I- Ý nghĩa của Sabat
Chữ ''schbbath'' (Dothái), ''sabbaton'' (Hylạp) có nghĩa: sự nghỉ ngơi, sự ngưng việc, sự tạm nghỉ. Theo Cựu Ước, đó là ngày thứ bảy trong tuần mà người Dothái phải tuân giữ. Sáng Thế Ký 2,2-3 cho biết rằng, vào ngày thứ bảy, Thiên Chúa hoàn tất việc Ngài làm, Ngài nghỉ ngơi vào ngày ấy, Ngài chúc lành cho nó sau khi Ngài tạo thành trời-đất.
II- Tuân giữ Sabat
A- Xuất Hành 16,23-30
Xin tóm tắt như sau: "Này là điều Giavê phán bảo: Mai là Hưu Lễ lớn, Lễ Thánh kính Giavê. Dân cất giữ thức ăn cho sáng mai như Gavê đã truyền dạy. Môsê nói: Các người hãy ăn nó hôm nay vì hôm nay là Hưu Lễ kính Giavê, các người sẽ không tìm thấy gì ngoài đồng. Trong vòng sáu ngày, các người hãy nhặt lấy thức ăn; còn ngày thứ bảy, tức là Hưu Lễ thì sẽ không có đâu! Giavê phán với Môsê: Cho đến bao giờ nữa, các con sẽ từ khước, không giữ lệnh truyền và luật của Ta? Ngày thứ bảy đừng có ai ra khỏi chỗ mình. Vậy, dân đã nghỉ việc ngày thứ bảy.''
B- Nêhêmia 9,14
''Ngài đã dạy cho dân biết Hưu Lễ Thánh của Ngài. Lệnh truyền và luật, Thánh Chỉ thì Ngài đã truyền dạy họ nhờ Môsê là tôi tớ của Ngài.''
C- Chúa Giêsu cho ''kẻ giả hình'' biết Ngài là Chúa của Sabat
Ngài phán với nhóm biệt phái: ''Sabat được đặt ra cho người ta, chứ chẳng phải người ta cho Sabat. Vì thế, Con Người là Chúa (Chủ) của Sabat.'' (Xin xem trọn Marcô 2,23-28.)
III- Ý nghĩa của Chúa Nhật
A- Ngữ nguyên
Người Pháp dùng chữ ''Dimanche'', do ''Dies Dominica'' (*) là ''Ngày của Chúa: Jour du Seigneur.'' Người Anh, Đức dùng chữ ''Sunday, Sonntag'' là ngày của mặt Trời vì mặt Trời là biểu tượng cho Thiên Chúa và để nhớ ơn Ngài như Thánh Vịnh 135,8 có ghi: ''Vừng thái dương để cai ban ngày vì Ơn Ngài miên man vạn đại!''
B- Chúa Nhật là Ngày Chúa Phục Sinh
Số 452 (trong Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý) ghi như sau: ''Chúa Nhật là Ngày Phục Sinh của Chúa Kitô. Là "ngày thứ NHẤT trong tuần" (Mc.16,2), Chúa Nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là "ngày thứ tám" sau Sabat, Chúa Nhật có nghĩa là TÂN SÁNG THẾ được khai mạc bằng Sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Như thế, đối với Kitô hữu, Chúa Nhật trở thành ĐẦU HẾT của mọi ngày và của tất cả ngày lễ: Ngày của Chúa, nhờ cuộc Vượt Qua của Ngài, Chúa Kitô hoàn tất ý nghĩa Sabat của người Do Thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa.''
Như vậy, Chúa Giêsu không hủy bỏ Sabat vì Ngài phán thế nầy: ''Đừng tưởng rằng Ta đến để loại bỏ lề luật hay các tiên tri; Ta đến không phải để bãi bỏ, mà để làm cho trọn.'' (Matth. 5,17)
C- Chúa Nhật là Ngày của Giao Ước Mới
Trong ''2 Corintô 3,3'', Thánh Phaolô nói đến ''Giao Ước Mới'' trên ''bia mới'' như sau: ''Rõ ràng anh-chị-em là bức thư Chúa Kitô, được viết ra, bằng sứ vụ của chúng tôi, không phải bằng mực, nhưng với Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, chẳng phải trên những bia đá, mà ở bia lòng, bia thịt!''
D- Sự khác biệt chính yếu giữa Sabat và Chúa Nhật
1- Sabat là Ngày tưởng nhớ đến ''sự nghỉ ngơi'' của Thiên Chúa: Đấng Tạo Hóa. Còn Chúa Nhật là Ngày ứng nghiệm Lời Chúa báo trước rằng Ngài sẽ sống lại, chẳng hạn: ''Phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh.'' (Lc.24,44 và nhiều nơi khác.)
2- Sabat là Ngày tưởng nhớ Việc Sáng Thế đã hoàn tất. Ngược lại, Chúa Nhật là Ngày Hân Hoan vì Ơn Cứu Độ (Tân Sáng Thế) đã thắng Satan. (x. Matth.28,1-8) Ngoài ra, đi Lễ Chúa Nhật là tôi đang có diễm phúc thánh hóa mình bằng Tiến Trình Mầu Nhiệm Cứu Rỗi như Lời Chúa hứa: ''Ta sẽ lập với Nhà Israel và Nhà Giuđa một GIAO ƯỚC MỚI, không giống như Giao Ước mà Ta đã lập với cha ông họ vào ngày Ta cầm tay họ để dẫn họ ra khỏi đất Aicập.'' (Giêrêmia 31,31)
IV- Tầm quan trọng của việc sống Ngày-của-Chúa
Thánh Ignatiô phát biểu rằng Kitô hữu sống kết hợp mật thiết với Ngày-của-Chúa (The Lord's Day) vì họ tụ họp vào Ngày Thứ Nhất trong tuần, sau Lễ Sabat của người Dothái, để ăn mừng Việc Chúa Kitô Phục Sinh! Thánh Tông Đồ Barnabas cũng dạy giáo dân thời ấy: ''Chúng ta hân hoan tuân giữ Ngày Thứ Tám là Ngày Chúa Giêsu phục sinh từ kẻ chết.''
Tin Mừng theo Thánh Matthêô 28,1-20 là Bức Tranh tuyệt vời về Khải Hoàn Phục Sinh vào Chúa Nhật. Còn Tông Đồ Công Vụ 20,7 cũng tường thuật việc tụ họp của Kitô hữu vào Ngày-của-Chúa.
V- Lời kết
Thánh Phaolô dạy về Tin-Cậy-Mến, mà Mến là hàng đầu! Điều Răn thứ nhất ghi: Thờ phượng chỉ một mình Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên hết mọi sự. Điều Răn thứ ba được Chúa Giêsu (cũng là Thiên Chúa Hằng Hữu) KIỆN TOÀN bằng Giao Ước Mới vào Chúa Nhật: Tuân giữ Ngày-của-Chúa là tôi phải đi hiệp dâng Thánh Lễ Chúa Nhật cùng với Linh Mục Chủ Tế hay Đồng Tế, với Đại Gia Đình Giáo Xứ vì tôi được mặc lấy Chúa Kitô, nhất là để ''ăn Thịt Ngài và uống Máu Ngài'' (nếu tôi sạch tội trọng) như Lời Ngài dạy để tôi được sống đời đời. (x. Gioan 6, 22-59)
Nếu lười biếng đi Lễ Chúa Nhật thì tôi chẳng yêu Chúa hết lòng, hết cả tâm hồn, hết trí khôn vì tôi coi mọi thứ khác quý báu hơn Tình Chúa yêu tôi!
(*) Ghi chú:
Ngày trước, Giáo Hội viết ''dies dominica'' là hiểu theo nghĩa ''thời giờ của Chúa/thuộc về Chúa''. Với nghĩa ấy, ''dies'' có giống cái (féminin) nên tính từ ''dominicus'' phải thành ''dominica'' theo giống cái. (Từ điển Langenscheidtswörterbuch của Đức.) Chữ ''dies dominicus'' thì thông dụng hơn với ngoài đời và nhất là với học giả về Latinh ở Châu Âu bởi vì ''dies'' có giống đực: masculin.
Đức Quốc, 28.4.2016
Đaminh Phan văn Phước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét