Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

CÓ ĐƯỢC PHÉP TRƯNG VÀ TÔN KÍNH CÁC ẢNH TƯỢNG CHÚA, ĐỨC MẸ VÀ CÁC THÁNH KHÔNG ?


Hỏi: Việc đúc, vẽ , trưng bày và tôn kính các ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh có phải là hình thức thờ ngẫu tựơng (idolatry) như anh em Tin Lành thường chỉ trích Giáo Hội Công Giáo không ? 

Trả lời:
Sở dĩ anh em Tin Lành (Protestants) nói chung thường chỉ trích Giáo Hội Công Giáo về việc đúc, tạc, vẽ ảnh tượng Chúa ( Iconography) vì họ dựa vào những điều răn trong Sách Đệ Nhj Luật qua đó Thiên Chúa cấm dân Do Thái “không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời… không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ : vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của người là một vị thần ghen tương..” ( Đnl 20: 4-5)
Nhưng phải nói ngay là Giáo Hội Công Giáo đâu có dạy tín hữu tôn thờ các ảnh tượng( iconolatry) mà chỉ tôn kính ( venerate, honour) vì những lý do chính đáng sau đây:

Trước hết, với Thiên Chúa Cha, Người là Đấng vô hình , vô tượng , không ai đã nhìn thấy Chúa bao giờ, nên không thể tạc vẽ được dung nhan của Người cách nào được.
Đọc Kinh Thánh Cựu Ước, chúng ta chỉ thấy Thiên Chúa xuất hiện và nói với ông Môsê một lần qua hình ảnh “Bụi gai bốc cháy” mà không bị thiêu rụi.(x Xh 3:1-6). Đến thời Tân Ước, Thiên Chúa Cha đã cho nghe tiếng Ngài phán ra từ trời cao trong dip Chúa Giêsu từ sông Jordan bước ra sau khi nhận phép rửa của Gioan :“ Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con.(x.Lc3:22).

Và một lần nữa, khi Chúa Giêsu dẫn ba Tông đồ Phê rô, Giacôbê và Gioan lên núi Taborê, nơi đây bất ngờ Chúa Giêsu đã biến đổi dung mạo trước mắt các ông và bỗng chốc có tiếng Chúa Cha từ trời phán ra:“Này là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”(Mc 9:7).

Đó là tất cả hình ảnh và tiếng nói của Đức Chúa Cha trong Kinh Thánh Tân và Cựu Ước.

Về Chúa Thánh Thần, thì Kinh Thánh chỉ cho ta thấy hai hình ảnh: một là hình chim bồ câu đáp xuống ngự trên Chúa Giêsu sau khi Chúa chịu phép rửa tại sông Gio-đan.(x.Mt 3:16). Và lần nữa trong dip Lẽ Ngũ Tuần (Pentecost), Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa đậu xuống trên từng Tông Đồ đang tụ tập trong nhà đóng kín cửa (Cv 2:3)

Ngược lại với Chúa Giêsu thì khác. Người là Thiên Chúa thật cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.Nhưng khi nhập thể làm Con Người thật, Chúa Giêsu “đã mặc lấy xác phàm” để trở nên giống con người về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi.

Chính trong thân xác, hình hài và dung mạo Con Người của Chúa Giêsu mà Chúa Cha, Đấng vô hình vô tượng, được nhìn thấy cách cụ thể hữu hình qua chính lời Chúa Giêsu đã nói với Philiphê như sau: ” Ai thấy Thầy thì thấy Chúa Cha Sao anh lại nói : xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?”(x. Ga 14: 9) .

Như vậy, Chúa Giêsu là Bi tích, là hiên thân hữu hình của Chúa Cha giữa các môn đệ và những ai có diễm phúc đã được gặp và thấy Chúa Giêsu trong suốt ba năm Người đi rao giảng Tin mừng Cứu Độ, chữa lành các bệnh nhân và làm nhiều phép lạ như đã được ghi chép trong bốn Phúc Âm..

Đức Mẹ,Thánh Cả Giuse và các Thánh nam nữ đều là loài thụ tạo, tức là con người như chúng ta nên các ngài phải có thân xác như mọi người trần thế.

Vì vậy , trước hết, việc đúc tượng và họa hình Chúa Giêsu-Kitô là điều được khuyến khích theo giáo lý của Giáo Hội : “Vì Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể khi mặc lâý nhân tính và có thân xác giới hạn rõ ràng, cho nên, khuôn mặt loài người của Chúa có thể được vẽ ra theo trí năng con người có thể hình dung ra được. Liên quan đến việc này, trong khoá họp thứ 6 của Công Đồng đại kết tại Nicea năm 787, Giáo Hội đã nhìn nhận việc hoạ lại hình dung của Chúa Giêsu trong các ảnh tượng thánh là điều chính đáng”.(x. SGLCG,số 476)

Từ đó, việc tạo chân dung và hình ảnh (Statues and Icons) của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh để tôn kính trong Nhà Thờ, Nhà Nguyện hay ở tư gia là điều chính đáng được phép làm trong Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống (Orthodox) trừ anh em Tin Lành xưa nay vẫn chỉ trích việc này là thờ ngẫu tượng= (idolatry), hoặc thờ ảnh tượng (Iconolatry).

Để trả lời cho vấn nạn trên và cũng để giúp quí tín hữu khắp nơi hiểu rõ lý do vì sao Giáo Hội Công Giáo cho phép dùng ảnh tượng trong việc thờ phượng , tôi xin được giải thích thêm chi tiết như sau:

Trước hết, chúng ta cần biết điều quan trọng này : đành rằng Thiên Chúa cấm dùng bất cứ hình ảnh nào do bàn tay con người làm ra để mô phỏng hay tượng trưng Thiên Chúa (x. Deut 4:15-18; SGLCG, số 2129). Nhưng mặt khác, Chúa cũng đã truyền cho dân Do Thái phải khắc ghi các Điều Răn của Ngài vào đá tảng, phải làm một Hòm Bia bằng gỗ bọc vàng ròng cả trong lẫn ngoài và đúc hai tượng thần hộ giá đặt ở hai đầu của Hòm Bia mà bên trong có chứa đựng các Điều Răn của Chúa như Giao Ước giữa Ngài và Dân Do Thái.(x. Xh 25: 10-22). Như thế Hòm Bia tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của Ngài. Điều này cho thấy Thiên Chúa vẫ n cho phép dùng những vật hay hình ảnh cụ thể như những biểu tượng (symbols) để giúp con người hướng lòng lên tới Ngài là Đấng vô hình vô tượng, vượt quá tầm hiểu biết và hình dung của tâm trí con người như Giáo Hội đã dạy như sau:

“Ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền hoặc cho phép làm ra nhữ ng hình ảnh như những biểu tượng dẫn đến ơn cưú độ nhờ Ngôi Lời Nhập thể : đó là con rắn bằng đồng , Hòm Bia Giao Ước và các thiên thần sốt mến. ( x. SGLCG, số 2130).

Chúng ta cần phân biệt sự khác nhau về ý nghĩa và mục đích của hai từ ngữ tôn kính (veneration) và tôn thờ (adoration).

Tôn thờ là hành động thờ lậy và yêu mến cao nhất (latria)chỉ dành cho một mình Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng mà thôi. Đức Mẹ được tôn kính ở mức Hyperdulia trong khi các Thánh nam nữ được tôn kính ở mức Dulia, tức là được mến mộ chứ không được tôn thờ. Ảnh tượng chỉ giúp con người dễ nhận biết để hướng tâm hồn lên tới Chúa, Đức Mẹ và các Thánh mà các ảnh tượng kia là biểu tượng hay vật súc tác thiêng liêng chứ không phải là hiện thân của Chúa, của Đức Mẹ và các Thánh.

Như thế, ta phải tôn thờ một Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ và các Thánh mà ta không nhìn thấy bằng giác quan chứ không được thờ lậy hay tôn kính các ảnh tượng kia như chính hiện thân của Chúa, Đức Mẹ và các Thánh.

Nói khác đi, chi khi nào tôn thờ, tôn các kính ảnh tượng như chính Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh hiện diện trong các ảnh tượng đó thì đây mới là hình thức thờ ngẫu tượng (idolatry) hay thờ ảnh tượng (iconolatry) tức là điều nghịch với đức tin cần phải ngăn cấm.

Ngược lại, nếu chỉ dùng ảnh tượng như phương tiện hữu ích để nâng lòng lên tới Thiên Chúa, Đức Mẹ và các Thánh mà ảnh tượng kia là trung gian tượng trưng thì không có gì lỗi nghich điều răn thứ nhất về đức thờ phượng . Ngay cả với Chúa Kitô, dù Ngài có thân xác, hình hài như mọi người chúng ta, nhưng tượng Chúa chiụ nạn trên thánh giá, hay hình ảnh Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ, cũng chỉ là những biểu tượng giúp ta nhớ đến Chúa Kitô đích thực đang ngự bên hữu Chúa Cha ở trên trời, và hiện diện bí tích thực sự trong Phép Thánh Thể nơi trần gian. Cho nên, ta phải tôn thờ với tất cả lòng kính yêu Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hình bánh và hình rượu mỗi khi bí tích Thánh Thể được cử hành.

Ngoài bí tích Thánh Thể , Chúa Kitô không hiện diện tương tự trong các ảnh tượng khác của Chúa, như tượng Chúa chịu nạn, hình Bữa Tiệc Ly, Máng cỏ hay hình Chúa tỏ lòng thương xót cho thánh nữ Faustina.v.v .

Cũng vậy đối với Đức Mẹ, và các Thánh nam nữ , hình ảnh của các ngài mà người ta đúc nặn hay tô vẽ mỹ thuật đến đâu thì cũng chỉ là biểu tượng giúp đánh động niềm tin và lòng yêu mến , tôn kính và biết ơn ( esteem,veneration and gratitude) của ta đối với Mẹ và các Thánh đang vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên đàng, chứ không hề hiện diện thực sự nơi các ảnh tượng đó, dù được làm bằng vàng, bạc, gổ quí hay đá kim cương, cẩm thạch và trưng bày ở bất cứ nơi linh thiêng nào trên thế giới và trong Giáo Hội.

Tóm lại, ta không được phép coi các ảnh tượng như chính hiện thân của Chúa, Đức Mẹ, và các Thánh, trừ Phép Thánh Thể. Các ảnh tượng chỉ là các phụ tích hay á bí tích (sacramentals) nhắc nhở chúng ta nhớ đến để yêu mến tôn thờ Chúa và tôn kính Đức Mẹ và các Thánh đang ở trên trời mà thôi. Dầu vậy, chúng ta cũng phải dành cho các Á bí tích này một sự kính trọng đúng mức, vì Công Đồng chung thứ VII, họp tại Nicêa năm 787 đã biện minh cho việc tôn kính các ảnh tượng thánh, chống lại những người phá hủy( iconoclasts) các tượng thánh như ảnh tượng Chúa Kitô, ảnh tượng Đức Mẹ, các thiên thần và tất cả các vị thánh. Khi nhập thể , Con Thiên Chúa đã khai mạc một chương trình mới, một kế hoạch mới về các ảnh tượng.(x.Sđd,số 2131)

Mặt khác, tuy Giáo Hội cho phép đúc và vẽ chân dung Chúa Kitô, Đức Mẹ và các Thánh, nhưng việc này phải được thực hiện sao cho phù hợp với đức tin, văn hoá và phong hoá của các dân tộc. Nói rõ hơn, không thể vẽ chân dung, ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ và các Thánh một cách lãng mạn, thiếu nội dung đức tin và đường nét trang trọng linh thiêng giúp đạt mục đích tôn kính trong phụng vụ và đời sống tín hữu.

Thánh Gioan Damascene (675-749) đã nói như sau về nét đẹp thiêng liêng của các ảnh tượng thánh : “Vẻ đẹp và mầu sắc các ảnh thánh kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một lễ hội cho đôi mắt tôi, cũng như phong cảnh đồng quê kích thích tâm hồn tôi ca tụng vinh quang của Thiên Chúa”. ( De imag. 1,27)

Ngày nay, các tín hữu thuộc nhiều sắc dân đều có khuynh hướng muốn hội nhập đức tin vào văn hoá (inculturation of faith), nên đã vẽ ảnh tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse, vốn là người Do Thái, da trắng thành da đen, da đỏ, da ngăm ngăm tùy theo sắc thái văn hóa và chủng tộc của người tín hữu.

Người Công giáo ViệtNam chúng ta cũng đã có tượng Đức Mẹ LaVang với y phục và nét ViệtNam riêng biệt. Người Mễ Tây Cơ có Đức Mẹ Guadalupe, người Pháp có Đức Mẹ Lộ và dân Bồ Đào Nha có Đức Mẹ Fatima v.v. Giáo Hội không ngăn cấm việc tạc tượng với những sắc thái riêng biệt này. Nhưng chúng ta cũng không nên đặt nặng vấn đề hội nhập đức tin vào văn hoá mà đưa vào nghệ thuật thánh những hình ảnh, hay nét vẻ quá tự do khiến cho đức tin và lòng sùng mộ của người tín hữu bị thương tổn, chia trí khi ngắm nhìn các ảnh tượng phóng khoáng đó. Thí dụ, về các Thánh tử đạo Việtnam thì không thể vẽ thiếu nét lịch sử về y phục và sắc thái điạ phương, khiến cho tín hữu con cháu ngày nay và mai sau có thể hiểu sai về nguồn gốc và đặc tính riêng của mỗi vị khi nhìn vào chân dung hay hình vẽ các ngài.

Tóm lại, việc sử dụng ảnh tượng trong Giáo hội Công Giáo không phải là hình thức tôn thờ ngẫu tượng (idolatry) hay thờ ảnh tượng (iconolatry) như dân ngoại (pagans) tôn thờ các thần (idols) được đúc nặn và trưng bày trong các đền thờ của họ.

Để phân biệt điều này, chúng ta cần tránh những hành động có tính chất mê tín như sờ mó vào các ảnh tượng Chuá Giêsu, Đức Mẹ và các Thánh rồi làm dấu thánh giá trên mình, hay lấy khăn tay lau các ảnh tượng kia để đem vể nhà ấp ủ, tương tự như dân ngoại tỏ lòng cung kính các tượng thần của họ.

Là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta phải bày tỏ lòng tôn kính các Ảnh tượng của Chúa Giêsu , Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và các Thánh nam nữ cách xứng hợp bằng hành động cúi đầu hay hôn kính Thánh Giá, và các ảnh tượng thánh trưng bày ở tư gia hay ở nhà thờ, nhà nguyện. Nhưng phải bái quỳ ( genuflect) trước Nhà Tạm ( Tabernacle) để tỏ lòng tôn thờ Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trong phép Thánh Thể giữa trần gian.

Tác giả: Lm. PX. Ngô Tôn Huấn
(Nguồn :http://thanhcavietnam.net)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét