Bức tranh “Đức mẹ Việt Nam” nổi tiếng thế giới bởi nét riêng biệt của “Đức mẹ” trong hình hài người phụ nữ Việt Nam. Sau nhiều năm được trưng bày ở thành Rome (Italia), cuối đời họa sĩ Nam Phong đã đồng ý bán tranh với giá 5.000 USD.
Cố họa sĩ Nam Phong người ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình), cả đời ông gắn với nghiệp vẽ tranh truyền thần. Ông nổi tiếng bởi những bức tranh truyền thần giống mẫu đến khó tin nên được giới hội họa trong nước rất thán phục.
Họa sĩ Hòa Bình (con trai của cố họa sĩ Nam Phong) kể, cả đời đời bố tôi chỉ chuyên tâm vào nghiệp vẽ tranh truyền thần. Nhờ vẽ tranh mà ông nuôi sống cả gia đình và hướng cho anh em tôi theo nghiệp hội họa. “Trong phòng tranh rộng chưa đầy 10m2 ở thị trấn, ngày ngày ông say mê vẽ, mỗi lúc rỗi ông lại đến nhà thờ cầu nguyện. Ông say mê hội họa hơn bất cứ thứ gì trên đời này”, anh Hòa Bình kể về cha mình.
Bản in bức tranh "Đức mẹ Việt Nam" đang được họa sĩ Hòa Bình lưu giữ.
Trong những tác phẩm mà họa sĩ Nam Phong đã sáng tác, ông có một bức tranh làm nên tên tuổi không chỉ nổi tiếng trong nước mà khắp thế giới. Đó chính là bức tranh “Đức mẹ Việt Nam” được trưng bày ở thành Rome (Italia) từ những năm 1950 của thế kỷ trước.
Kể về bức họa nổi tiếng của cha mình, anh Hòa Bình nhớ như in từng chi tiết về bức tranh có một không hai ở Việt Nam này. Vốn là một giáo dân nên khi đến nhà thờ, họa sĩ Nam Phong rất say mê những bức tượng và tranh thờ về chúa Giê-su, Đức mẹ Maria, các thành Tông đồ… Vì những bức tượng, tranh này đều được những họa sĩ nổi tiếng trên thế giới vẽ lại theo Kinh thánh.
“Bố tôi say mê đến nỗi sau này những nét vẽ của ông cũng mang đậm dòng tranh cổ điển của thế giới. Từ màu sắc, ánh sáng, đến đường nét, họa tiết ông đều học theo để từ đó sáng tạo cho mình những nét riêng biệt có trường phía riêng. Chính vì thế mà nhiều bức tranh như chân dung Nàng Molisa, Bữa tiệc ly… được bố tôi chép rất chuyên nghiệp”, anh Hòa Bình chia sẻ.
Sau nhiều năm cầm cọ, họa sĩ Nam Phong vẽ một bức tranh miêu tả về một “Đức mẹ Việt Nam”. Cái khó khăn lớn nhất mà họa sĩ Nam Phong gặp phải chính là chưa có hình mẫu nào để theo, cũng như việc vẽ về Đức mẹ Việt Nam làm sao để toát lên được những nét riêng biệt của hình mẫu người phụ nữ Việt Nam trong tranh.
“Bố tôi cứ mày mò suy nghĩ, những lúc bế tắc ông lại đến nhà thờ cầu nguyện và nhìn thật sâu vào hình mấu Đức mẹ trong nhà thờ. Nhiều ngày liên tục suy nghĩ và vẽ, cuối cùng “đứa con tinh thần” của ông cũng ra đời với hình hài tuyệt mĩ. Chưa có bức tranh nào mà bố tôi đâm đắc như vậy”, anh Bình nhớ lại.
Năm 1953, tại thị trấn Phát Diệm tổ chức triển lãm tranh với chủ đề mở rộng, kêu gọi đầy đủ tầng lớp nhân dân tham gia. Ban đầu, họa sĩ Nam Phong nghĩ vẽ tranh ra là để mình thưởng thức chứ không có ý đưa đi triển lãm. Sau ông quyết định đưa bức “Đức mẹ Việt Nam” đến triển lãm với hi vọng được sự góp ý từ nhiều người. Ông không ngờ tới, khi bức tranh được trưng bày, mọi người đồ dồn hết mọi ánh nhìn về tranh của ông và không ngớt lời ca ngợi.
Bức “Đức mẹ Việt Nam” của ông nổi tiếng từ đó. Biết tin, Đức Cha phụ trách giáo phận Phát Diệm lúc bấy giờ đã ngỏ lời xin đưa bức tranh này sang Tòa thánh Vatican (Italia) để trưng bày. Được họa sĩ Nam Phong đồng ý, bức “Đức Mẹ Việt Nam” sau đó được đưa sang Ý và được những họa sĩ nổi tiếng thế giới đánh giá rất cao bởi là bức tranh đặc biệt về Đức mẹ Maria nhưng lại mang đậm nét dân tộc Việt Nam. Màu sắc, ánh sáng, đường nét, bố cục trong tranh cũng được vẽ rất tinh xảo.
“Tranh được chọn trưng bày nhiều năm tại thành Rome, nhiều người đến tham quan đã xin được in bản photo về làm kỷ niệm. Sau hơn một năm Đức Cha đưa tranh đi đã gửi lại cho bố tôi 2 vạn tiền Đông Dương tiền lãi in tranh. Đây là số tiền vô cùng lớn và ý nghĩa từ bức tranh mang lại”, anh Bình nói.
Sau nhiều năm chiến tranh, tin tức về bức tranh không được họa sĩ Nam Phong biết đến. Đầu những năm 1990, một ngày tình cờ ông gặp Đức cha Bùi Chu Tạo, chủ giáo phận Phát Diệm lúc bấy giờ sắp có chuyến sang Vatican công tác. Họa sĩ Nam Phong đã viết một lá thư gửi cho những người đang lưu giữ bức tranh với mong muốn được biết tin về “đứa con” thất lạc của mình.
“Không lâu sau đó, Đức cha Tạo báo về, bức tranh “Đức mẹ Việt Nam” của bố tôi hiện vẫn trưng bày tại thành Rome và được bảo quản rất cẩn thận. Năm 1994, trước khi qua đời bố tôi đã đồng ý bán bức tranh lại cho bảo tàng với giá 5.000 USD. Hiện những bản photo của bức tranh vẫn đang được những người trong gia đình tôi lưu giữ như một kỷ vật mà bố để lại. Đây không chỉ là niềm tự hào cho gia đình mà còn là một bức tranh độc đáo đến nay ở Việt Nam và trên thế giới chưa có bức thứ 2”, anh Bình khẳng định.
Thái Bá
(Nguồn : dantri.com.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét