Tranh minh họa của Pawel Kuczynski
Có lẽ chưa bao giờ thế giới thông tin và giải trí lại phong phú, đa dạng và phát triển một cách chóng mặt như ngày hôm nay. Ở cả ba loại hình nghe, nhìn và đọc, chúng ta đều có thể dễ dàng nhận thấy rằng hiện nay, người thưởng thức nói chung và giới trẻ nói riêng đang được tận hưởng một đời sống tinh thần no đủ thậm chí là dư dả.
Ngay cả cách để người ta tiếp cận các loại hình văn hóa cũng thuận tiện và không còn phải chật vật như trong trí nhớ của những người trẻ thế hệ 8x trở về trước vẫn còn lưu giữ. Đó là những khó khăn mà người ta phải trải qua đôi khi chỉ để nghe được một bản nhạc hay sự mong ngóng để được xem một bộ phim phát trên truyền hình.
Bây giờ chỉ cần vào Youtube người ta có thể xem bất cứ thứ gì mình muốn. Các trang nhạc online luôn luôn đáp ứng mọi gu âm nhạc của mọi đối tượng. Để được cầm trên tay một quyển sách mà mình yêu thích cũng không cần phải chạy ra nhà sách lục lọi, tìm kiếm mà cơ hội tìm được đôi khi chỉ là may rủi, các dịch vụ bán sách online đang phục vụ rất tốt trong vấn đề này và càng ngày càng tăng dần chất lượng phục vụ. Vì vậy thiết nghĩ, con đường tìm kiếm tri thức và tô điểm cho tâm hồn, làm giàu tinh thần, học hỏi và trau dồi nhân cách thông qua con đường tiếp cận văn học, nghệ thuật của con người trong xã hội hôm nay chưa bao giờ thuận tiện đến thế, với sự hỗ trợ đắc lực của internet.
Tuy nhiên, cũng thông qua cánh cửa rộng mở của internet, có lẽ không ai trong chúng ta không đủ tinh tế để nhận ra chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự tha hóa nhân cách ngày một trầm trọng, đời sống tinh thần của giới trẻ ngày một non yếu hơn và tâm hồn của các bạn trong thời đại này có lẽ chỉ còn là những khu vườn hoang vu, thiếu bàn tay chăm sóc. Đâu là nguyên nhân của sự mâu thuẫn này?
Tôi có dịp tiếp xúc và quan sát nhịp sống của nhiều thanh thiếu niên và đã kịp rút ra cho mình nhiều sự cảm nghiệm, trong đó có không ít ray rứt và lo ngại về một tương lai của đời sống văn hóa người Việt không mấy tươi sáng nếu một ngày nào đó chính các bạn bước vào tuổi trưởng thành, trở thành những con người đại diện cho cả xã hội. Nhìn chung, tư duy “ăn xổi ở thì” vốn đặc trưng cho đời sống thể chất của con người đương thời thì nay cũng đang lấn át sang khía cạnh tinh thần.
Cư dân mạng chính là những người hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết khi mỗi ngày trên các trang mạng xã hội, tất cả những gì mà các bạn trẻ quan tâm chỉ là “đang có vụ gì hot?” trong khi đó có những vấn nạn khiến cả xã hội hoang mang đang tồn tại từ năm này qua tháng nọ vẫn chưa đi đến hướng giải quyết mà ngược lại đang bị chính các bạn dần dần quên lãng hay coi đó không phải là chuyện của mình. Chính cái cách quan tâm cuộc sống này đang hình thành trong giới trẻ một sự thờ ơ trước các vấn đề chung của cộng đồng mà chỉ chăm chăm đáp ứng nhu cầu bắt kịp xu hướng, hưởng ứng trào lưu để hùa theo đám đông hay đơn giản chỉ thỏa mãn thói ngồi lê đôi mách. Có lẽ nói đến đây, những con người của thời đại hôm nay thật sự quan tâm thực tại cuộc sống đã không còn thấy vấn đề này là xa lạ nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không liên tục nhắc lại và đem ra mổ xẻ.
Quay lại việc giải trí, các video hài hước, chọc cười đôi khi rất nhảm nhí mà chính cái chất nhảm nhí của nó là phương tiện chính để chọc cười chứ nội dung hoàn toàn không mang ý nghĩa gì lại đang thu hút lượt view đáng ao ước trên Youtube. Và khi dạo qua các tụ điểm hay bất cứ nơi nào mà các bạn trẻ tụ tập, lướt qua các màn hình điện thoại, chúng ta dễ dàng nhận thấy các bạn đang chăm chú xem những video này và cười với nhau rất sôi nổi. Không thiếu những thứ hay ho, ý nghĩa khác trên mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới này, tại sao các bạn lại chỉ quan tâm những video ấy.
Phim hài nhảm đang là thể loại hút khách ở các rạp và điều này lại làm các tác phẩm được gọi là điện ảnh này đang không ngừng gia tăng về số lượng khiến chúng ta một lần nữa lại phải ưu tư về vai trò định hướng thưởng thức của người làm nghệ thuật đang ở đâu trên mảnh đất này. Chủ nghĩa thực dụng và sự lên ngôi của đời sống tôn thờ vật chất đã tạo ra một cách làm ngược với lương tâm người làm nghệ thuật khi chỉ chạy theo thị hiếu để trục lợi.
Vấn đề người Việt thích xem hài đi kèm với chất lượng các tác phẩm hài ngày một đi xuống cũng đã gây nhiều trăn trở cho các nhà làm văn hóa khi điều đó ngày càng thể hiện một cách mạnh mẽ rằng, người Việt đang dần quan tâm nhiều đến cảm giác hơn là cảm xúc. Người trẻ ngày nay thích cười những tràng cười sảng khoái trước những trò hề ngớ ngẩn hơn là suy niệm những thông điệp nhân văn, tìm tòi để dần dần hiểu được ý nghĩa cuộc sống.
Khi băn khoăn về mục đích sống của mình, các bạn không đào sâu đến gốc tích của vấn đề nhằm khai sáng cho bản thân mà ngay lập tức tìm quên, phủ lấp nỗi ưu tư của mình bằng những phương tiện xả stress, điều đó dần hình thành thói lười suy nghĩ. Và khi con người ta lười suy nghĩ, chỉ đi tìm những ngây ngất nhất thời thì chúng ta đừng mơ đến hai từ phát triển. Vì không suy nghĩ thì không tìm ra cái mới, không có cái mới thì làm sao có phát triển.
Tương tự ở chuyện đọc, tôi có một quan niệm trong việc đọc đó là số lượng không quan trọng. Không phải cứ đọc nhiều là tốt vì thật sự với một quyển sách giá trị và sâu sắc, khi chúng ta buông nó xuống tức là để cho nó đeo bám trong suy nghĩ của mình suốt đời. Chúng ta sẽ còn phải đọc lại nó nhiều lần hơn nữa, không phải cầm nó lên lại mà là đọc nó trong suy tưởng. Đa số các sách văn chương đều tạo được tác động đó đối với người đọc, điều này khiến cho tư duy chúng ta luôn có chiều hướng vận động và phát triển, tạo ra những phát kiến mới trong tâm trí.
Khi nghe các bạn trẻ chia sẻ rằng mình thích đọc sách, tôi cũng cảm thấy có phần vui mừng. Tuy nhiên, khi đi sâu hơn vào các thể loại mà các bạn thường đọc, tôi mới phát hiện ra rằng phần lớn các bạn nữ đọc ngôn tình, còn các bạn nam thì đọc các thể loại sách helpself, sách dạy làm giàu, bí quyết thành công,… Tôi không có ý nói rằng các thể loại này không tốt và cũng không hề phủ định những ích lợi ngay trước mắt của việc đọc các thể loại này nhưng tôi rất muốn nói rằng các bạn đang tiếp xúc với một phần rất nhỏ mà lại còn không quan trọng cho lắm trong môi trường phong phú và rộng lớn của văn hóa đọc.
Các giải thưởng văn học như Pulitzer, Nobel văn chương, Man Booker,… của thế giới đang làm rất tốt vai trò định hướng văn hóa đọc. Một người đọc thông minh và có hiểu biết chỉ cần theo dõi những giải thưởng này là đã có thể tích lũy cho mình những đầu sách giá trị. Tuy vậy, bao nhiêu bạn trẻ biết được điều giản đơn này và ai nói cho họ biết khi mà trong thời đại công nghiệp vô cùng tất bật hiện nay, sự gần gũi giữa các thế hệ đang ngày một giãn cách ra khi người lớn giải trí theo cách của người lớn và để mặc con trẻ cho thời thế lôi cuốn vô hình trung khiến các bạn lạc lối hay đang đi những con đường lòng vòng trong cái ma trận thông tin của thời đại công nghệ dẫn đến việc “đói thông tin” ngay giữa thời buổi thông tin tràn lan, thừa mứa hôm nay.
Cũng với cùng một cách nghĩ như trên đối với các hình thức giải trí và tiếp nhận thông tin khác, tôi rất buồn khi phải kết luận rằng giới trẻ của chúng ta đang dấn vào con đường biết cái không cần biết và không biết cái cần biết. Bên cạnh đó là sa lầy với một lối sống thức thời, xa rời chân, thiện, mỹ là những giá trị mà nhân loại bao đời tìm kiếm. Nay, với sự thờ ơ của các bạn, tôi lại phải đau buồn mà nói rằng cái đẹp đang chết dần trong thời đại ngày hôm nay.
Tác hại của việc vô định hướng trên như chúng ta thấy không phải là không rõ rệt, nó đang hiển hiện trong tính cách và sinh hoạt tinh thần của giới trẻ ngày nay. Nhiều bạn bị thiếu vốn từ nghiêm trọng, vụng về trong cách diễn đạt và trình bày suy nghĩ. Thiếu sự hiểu biết về các giá trị nền tảng của đời sống nhân bản như đạo đức, luân lý, niềm tin, công lý, sự thật,… Mà những điều này có những tác động không nhỏ trong việc xây dựng nhân cách con người và tô điểm tâm hồn của các bạn trẻ nhất là trong thời đại kim tiền này, sự tha hóa nhân cách luôn chực chờ nuốt chửng lấy mỗi con người.
Nói như vậy không chỉ để các bạn trẻ hiểu ra vấn đề mà thay đổi cách nhìn nhận vì trên thực tế con người thường khó chuyển đổi được ý thích của mình và sự tôn trọng quyền cá nhân đang được xã hội bảo vệ. Nhưng xã hội nào cũng có chuẩn mực của nó và người ta không được lãng quên chân lý cũng như phải nhìn ra ý nghĩa cuộc sống ít nhất là trong phần còn lại của đời mình.
Các bạn trẻ được quyền chọn lựa con đường riêng của mình điều đó không có nghĩa là những người đi trước không có trách nhiệm hướng các bạn đến cái đẹp. Vậy chẳng lẽ những con người hiểu rõ các chuẩn mực ấy lại chấp nhận khoanh tay đứng nhìn tương lai của đất nước đang ngày càng mục ruỗng ý thức và ngày càng tự giết mình vì ngay từ đầu đã không chịu cố gắng làm cho chân lý, cái đẹp được bám rễ sâu vào con người mình khiến sự tha hóa cứ ngày một lan rộng. Nếu chẳng may một cơn giông tố nào đó kéo đến, chúng ta có tự hỏi thế hệ này rồi sẽ đi về đâu?
Tác giả: Nguyen_Tai
(Nguồn : http://triethocduongpho.tumblr.com/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét