Các chuyên gia của Đại học Yale (Hoa Kỳ) đã công bố giả thuyết mới cho rằng họ đã tìm được bức tranh cổ xưa nhất về Đức Mẹ Đồng trinh Maria trong biến cố Truyền tin.
Đức Mẹ Đồng trinh Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, là người phụ nữ được kính trọng nhất trong truyền thống Công giáo. Trong lịch sử ngành hội họa, tần suất xuất hiện của Mẹ chỉ kém hơn Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong 80 năm qua, một trong những bức họa cổ nhất về Đức Mẹ được trưng bày công khai nhưng hiếm người nào biết được tầm quan trọng của nó.
Bức họa vô danh
Theo tờ The New York Times, Viện bảo tàng nghệ thuật của Đại học Yale (Mỹ) lâu nay vẫn treo những bức họa thuộc về một trong những nhà thờ lâu đời nhất thế giới. Bị chôn vùi vào giữa thế kỷ thứ 3, nhà thờ tại gia ở phía đông Syria từng cất giữ những hình ảnh của Chúa Giêsu, thánh Phêrô và vua David. Và trong số này, bức bích họa vẽ một phụ nữ che mạng từng được đặt bên trong phòng rửa tội của nhà thờ đó. Được treo lặng lẽ trong phòng tranh của đại học nổi tiếng, ít được lưu ý đến như các bức họa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô, bức tranh dù đã nhạt màu nhưng vẫn còn có thể thấy được hình ảnh một phụ nữ đang cúi mình xuống giếng. Cầm trong tay sợi dây thừng nối với cái thùng, bà nhìn về hướng người xem, dường như bị đánh động trong lúc đang kéo nước.
Tác phẩm có thể là bức họa đầu tiên của Đức Mẹ Đồng Trinh Mara tại Deir ez-Zor, Syria - Ảnh Yale University Art Gallery |
Bà là ai? Dòng chữ diễn giải của Viện bảo tàng bên dưới bức tranh dường như vô cùng có lý: “Bức họa nhiều khả năng vẽ lại cảnh tượng gặp gỡ giữa đấng Kitô (không thể hiện trong bức tranh) và một phụ nữ đến từ Samaria”, chỉ một sự kiện đã được ghi lại trong Phúc âm Thánh Gioan. Thế nhưng giới sử gia cũng biết rằng Người đàn bà Samaria bên giếng nướcthường được khắc họa đang đối thoại với Chúa, trong khi người phụ nữ này lại xuất hiện một mình. Phải chăng đội ngũ chuyên gia của Đại học Yale đã chú thích nhầm bức bích họa được khai quật từ đống đổ nát của nhà thờ vào năm 1932? Những bức bích họa trên được chuyển từ tiền tuyến phía đông của Đế quốc La Mã, một tiền đồn quân sự có thể gọi là “Dura” hoặc “Europos”.
Nằm ngất ngưởng trên cao so với sông Euphrates tại một khu vực giờ đây được gọi là Deir ez-Zor, tàn tích của Dura-Europos đã cung cấp nhiều cổ vật nhất so với bất cứ địa điểm khảo cổ nào khác: một cái khiên La Mã còn nguyên vẹn, một giáo đường Do Thái được tô vẽ lộng lẫy, và một đền thờ của Đấng tối cao gần Palmyra. Nó được gọi là “Pompeii của sa mạc Syria”, theo tờ The New York Times dẫn lời Michael Rostovtzeff, giám đốc các dự án khai quật của Đại học Yale. Tuy nhiên, không hề có sức mạnh siêu nhiên nào vùi lấp Dura-Europos như trường hợp của Pompeii, mà nơi này bị chôn vùi một cách có chủ đích trong nỗ lực đắp thành lũy với hy vọng có thể chặn đà tiến của quân đội Sassanid xâm lăng từ hướng đông vào thập niên 250. Vận rủi của pháo đài thời La Mã hóa ra lại trở thành vận may cho giới sử gia. Thành lũy thiết lập trên nền tảng nhiều di tích thời đó, bao gồm nhà thờ trên, cho phép các chuyên gia ngày nay nắm chắc niên đại của chúng cũng như nhiều cổ vật có giá trị vào thời đại này.
Phòng rửa tội của nhà thờ đến nay vẫn là một phát hiện độc nhất vô nhị. Ngoài những dòng chữ có nội dung về các hầm mộ ở Rome, có một vài bức họa quý từ trước thời Đại đế Constantine cải đạo sang Kitô giáo vào thế kỷ thứ 4, cũng như những bằng chứng cho thấy phần nào tín ngưỡng và nghi thức tôn giáo của người Công giáo Syria, một cộng đồng hiện đối mặt với nguy cơ hủy diệt.
Giải mã biến cố Truyền tin
Trong khi Người đàn bà Samaria bên giếng nước là một nhân vật trong Kinh Thánh được chú ý trong các thế hệ tín hữu Công giáo đời đầu, trên thực tế có “một phụ nữ bên giếng nước” khác nổi bật hơn nhiều: Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trong biến cố Truyền tin. Theo đó, sứ thần Gabriel đã hiện ra thông báo rằng bà được Thiên Chúa chọn để làm mẹ của Đức Giêsu. Đã có nhiều hình ảnh mô tả khi Đức Mẹ đang lấy một cái bình và bước đến giếng kéo nước, đột nhiên, một giọng nói vang lên: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Và bà đã nhìn xung quanh để tìm kiếm người nói chuyện. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên này, bên cạnh giếng nước hoặc con suối, thiên thần đã đến nhưng không hiện thân. Đức Mẹ ở đó một mình.
Một cảnh tượng khắc họa biến cố Truyền tin trong tác phẩm vào thế kỷ 12 - Ảnh: Bibliothèque Nationale France |
Đại đa số tín hữu, khi nghe về biến cố truyền tin, luôn mường tượng ra cảnh Đức Mẹ trong một tu viện thánh khiết nào đó chào đón thiên thần. Nhưng hình ảnh của người Byzantine lại hoàn toàn khác, thường mô tả Đức Mẹ đứng cạnh giếng nước. Một số bản viết tay luôn chuộng bối cảnh đời thường so với phiên bản thánh hóa. Bức họa vẽ người phụ nữ tại Dura-Europos không những trùng hợp với những hình dung của người thời Byzantine mà còn mang theo nhiều bí mật khác. Những bức ảnh và các phác họa được lưu trữ tại tàn tích của nhà thờ cho thấy có một vài dòng chữ nằm ở vị trí đằng sau nhân vật nữ, cùng với một dạng giống như vầng sáng xuất hiện phía trước thân của bà. Theo phân tích của giới chuyên gia, có vẻ như họa sĩ muốn phác họa một chuyển động huyền bí về hướng cơ thể của người phụ nữ, giống như một dạng hóa thân. Nếu tất cả phân tích đều đúng, người phụ nữ trong bức bích họa là hình ảnh cổ nhất về Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.
Ngày nay, những bức họa từ nhà thờ ở sa mạc Syria vẫn đang được bảo quản an toàn, nhưng các cơ hội tìm hiểu thêm về những người Kitô giáo Syria đời đầu đang trôi tuột dần theo thời gian, do các di tích khảo cổ quý giá đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành hủy diệt có hệ thống tại Deir ez-Zor. Dựa trên những hình ảnh chụp từ vệ tinh và lời kể của người địa phương, sự hủy hoại và tẩu tán cổ vật tại Dura-Europos là không thể đo đếm được. Do vậy, các bức bích họa từ nhà thờ cổ ở Syria mang ý nghĩa quan trọng hơn là các bức tranh trong viện bảo tàng. Chúng đại diện cho một dân tộc và một nền di sản đứng trước nhu cầu cấp bách cần được cứu rỗi, giống như tinh thần của lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Thượng phụ Chính thống giáo Kirill trong cuộc gặp lịch sử 1.000 năm vừa qua tại Havana, Cuba.
LING LANG
(Nguồn : http://www.cgvdt.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét