Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI VÀ HUẤN LUYỆN ĐỘI TRƯỞNG


Joubert 1


PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI VÀ HUẤN LUYỆN ĐỘI TRƯỞNG.
Nguồn:
I. PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI
A. Thế nào là Phương Pháp Hàng Đội?
– Phương pháp hàng đội là cách tổ chức một nhóm nhỏ từ vài trẻ đến 08 em thành một Đội và do một em là Đội Trưởng đứng ra chỉ huy, chịu trách nhiệm hướng dẫn các em trong đội đó. Phương pháp hàng đội là lấy đơn vị Đội làm căn bản mà trong bất cứ một đoàn thể nào cũng đều buộc phải có. Hơn thế nữa, đơn vị Đội lại cần phải được tự trị, tức là Đội Trưởng luôn luôn phải là người có quyền điều khiển và quyết định những vấn đề trong đội của mình. Biết cách tổ chức các sinh hoạt cho đội của mình và cũng biết phân chia các nhiệm vụ cho từng đội viên của mình.

B. Lợi Ích của Phương Pháp Hàng Đội:
  • 1. Phương pháp hàng đội tự trị là một phương pháp giáo dục hay nhất để rèn luyện tính khí con người trong mọi môi trường và hoàn cảnh sống.
  • 2. Tạo được sự đoàn kết trong đội và tạo được cho mỗi đội viên (sinh) có tinh thần trách nhiệm xây dựng cho đội mình ngày một tiến triển hơn.
  • 3. Gây được tinh thần thi đua giữa các đội với nhau, đội này thấy đội kia khá hơn mình thì thường là tự mình phải cố gắng hơn nữa để không bị kém hơn các đội khác.
  • 4. Nếu các Đội đều tiến thì đương nhiên cả đoàn đều tiến triển và ngày một vững mạnh hơn.

C. Áp Dụng Phương Pháp Hàng Đội:
  • 1. Trao trách nhiệm cho Đội Trưởng (ĐT) càng nhiều càng tốt và tin tưởng vào tài lãnh đạo của ĐT.
  • 2. Tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện ĐT có đầy đủ khả năng và tài lãnh đạo.
  • 3. Tất cả mọi mệnh lệnh đều truyền đạt cho ĐT để ĐT truyền đạt lại cho đội sinh của mình. Luôn tạo cơ hội cho ĐT thi thố tài năng trước các đội sinh.
  • 4. Tạo cơ hội cho các đội sinh hoạt và họp đội càng nhiều càng tốt.
  • 5. Tổ chức các chương trình thi đua, các chương trình sinh hoạt dành cho các đội thường xuyên hơn.

II. VAI TRÒ ĐỘI TRƯỞNG
Vai trò của Đội Trưởng (ĐT) thực sự là một vai trò rất quan trọng trong tổ chức và sinh hoạt của Đoàn. Từ trước tới nay, chúng ta thường chú trọng vào vai trò Huynh Trưởng, huấn luyện và đào tạo Huynh Trưởng khá nhiều và thường coi nhẹ vai trò của người ĐT. Chúng ta cần phải xác định lại một cách rõ rệt rằng ĐT cũng là một cấp chỉ huy, một cấp lãnh đạo cho một đơn vị là Đội chứ không phải chỉ là một em Ấu, Thiếu hay Kha, Tráng sinh.
Hơn thế nữa, vai trò của ĐT cũng chính là người anh, người chị trong một Đội, Tuần, Toán: có trọng trách hướng dẫn và coi sóc các em trong đội và Đội là đơn vị căn bản trong tổ chức của Đoàn. Một cách tổng quát, vai trò của ĐT như sau:
A. Là Một Người Lãnh Đạo:
ĐT là một người chỉ huy, lãnh đạo một đơn vị Đội, có trách nhiệm hướng dẫn và huấn luyện các đội viên trong đội. Thi hành và trực tiếp chuyển lệnh từ các cấp trên trao xuống. Trực tiếp liên hệ và chịu trách nhiệm với Anh – Chị Đoàn Trưởng. Với cương vị là một cấp chỉ huy, người Đội Trưởng cần có các tính cách như sau:
  • 1. Có tư cách và tác phong lãnh đạo
  • 2. Có tinh thần trách nhiệm
  • 3. Có kiến thức và khả năng vượt trội hơn các đội viên
  • 4. Có đầu óc tổ chức và khả năng hoạch định chương trình làm việc.

B. Là Một Người Anh/ Chị của Đội:
Ngoài vai trò chỉ huy, ĐT còn là một người anh, người chị của đội. Luôn thương yêu và săn sóc các đội viên, đùm bọc che chở các đội viên và luôn luôn giúp đỡ các đội viên của mình từ tinh thần đến vật chất như anh chị em trong một gia đình. Với cương vị là người anh, người chị, người Đội Trưởng cần có các đức tính như sau:
  • 1. Lòng bác ái, vị tha
  • 2. Công bằng
  • 3. Hy sinh
  • 4. Vui vẻ, hòa nhã
  • 5. Nêu gương tốt

C. Là Một Huấn Luyện Viên:
Hướng dẫn và huấn luyện các đội viên theo chương trình thăng tiến đoàn sinh của đoàn hoặc chi đoàn đã đề ra. Đồng thời cũng chỉ bảo thêm cho các đội viên những gì mình đã học hỏi được từ cấp trên. Không những thế, Đội Trưởng còn phải có trách nhiệm khảo sát khả năng các đội viên, nâng đỡ và khuyến khích các đội viên kém cỏi, tưởng thưởng các đội viên giỏi trong đội.
Với cương vị là một huấn luyện viên, người Đội Trưởng cần có các tiêu chuẩn như sau:
  • 1. Có tinh thần cầu tiến, luôn học hỏi và trau dồi kiến thức, khả năng lãnh đạo.
  • 2. Nhẫn nại khi học hỏi và nhẫn nại khi hướng dẫn.
  • 3. Luôn chu toàn bổn phận và quyết tâm hướng dẫn đội mình được tiến triển, nổi bật về mọi mặt
  • 4. Sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm khi được giao phó và hướng dẫn cả đội hoàn thành trách nhiệm cách chu đáo.
III. TIÊU CHUẨN CHỌN LỰA ĐT:
  • * Qua các yếu tố kể trên, việc tuyển chọn ĐT cần phải dựa trên một số các tiêu chuẩn như tuổi tác, vóc dáng, tư cách và khả năng lãnh đạo thì việc huấn luyện và đào tạo ĐT mới đạt được hiệu quả như ý muốn và việc áp dụng phương pháp hàng đội mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp.
  • * Ở những Nước tiến bộ, thường Huynh Trưởng để cho các Đội sinh bầu chọn lấy Đội trưởng, hoặc chỉ gợi ý.
A. Tuổi Tác Của ĐT (không nên coi là khuôn phép bắt buộc!).
  • – Ngành Ấu: Từ 8 đến 11 tuổi
  • – Ngành Thiếu: Từ 12 đến 15 tuổi
  • – Ngành Khha hay Thanh: Từ 15 đến 17 tuổi.
  • – Và tùy theo tập quán địa phương.
B. Vóc Dáng – Vóc dáng của ĐT nên cao lớn hơn các đội viên.
C. Tư Cách – Có tư cách và tác phong đứng đắn, chững chạc.
  • – Hòa nhã, khiêm tốn
  • – Hy sinh và vâng lời cấp trên
  • – Có tác phong của một người chỉ huy
D. Khả Năng:
  • – Hiểu và biết truyền đạt tiếng Việt
  • – Trình độ học vấn khá
  • – Tháo vát, nhanh nhẹn
  • – Có khả năng ăn nói vững vàng, rõ rệt.
IV. HUẤN LUYỆN ĐT:
Với các tiêu chuẩn chọn lựa được liệt kê như trên. Việc huấn luyện ĐT bao gồm các phần chính yếu như sau:
A. Hiểu Biết Phong Trào: (theo lứa tuổi của các em).
  • 1. Hiểu: Mục Đích, Tôn Chỉ và Đường Hướng Giáo Dục của Phong Trào (tương đối thổi!)
  • 2. Hiểu biết và am tường về Hệ Thống Tổ Chức và Điều Hành của Đoàn.
  • 3. Hiểu biết các Cấp Bậc, Chức Vụ của các Cấp Lãnh Đạo trong Phong Trào
  • 4. Sơ Lược về 4 Ngành của Phong Trào
  • 5. Thuộc các Bài Ca Chính Thức của Phong Trào
  • 6. Học về Chương Trình Thăng Tiến Đoàn Sinh của Ngành.
B. Khả Năng Lãnh Đạo:
  • 1. Các Nghi Thức Nghiêm Tập
  • 2. Vai Trò và Trách Nhiệm của Đội Trưởng
  • 3. Đời Sống Đạo Đức và Gương Mẫu của ĐT
  • 4. Phương Pháp Hàng Đội Tự Trị
C. Khả Năng Chuyên Môn:
  • 1. Biết lấy ý kiến chung của Hội đồng Đội; soạn thảo và điều khiển chương trình họp đội
  • 2. Biết điều khiển và phân công trong đội – Bạn nào phụ trách: – sinh hoạt: Tập hát, trò chơi, băng reo v.v…
  • 3. Thông thạo Morse, Semaphore, Nút Dây
  • 4. Biết soạn thảo các báo cáo sinh hoạt đội
  • 5. Biết hướng dẫn và tổ chức cho đội trong các sinh hoạt của Đoàn
  • 6. Biết cách tổ chức hành chánh cho Đội.
V. VẤN ĐỀ THỰC HÀNH
Song song với chương trình huấn luyện như trên, việc thực hành cho các ĐT cần phải có và đòi hỏi sự kiên tâm huấn luyện và khéo léo hướng dẫn của các Huynh Trưởng trực tiếp trách nhiệm (trong các sinh hoạt của Đội Mẫu hoặc Đội Tiên khởi, nếu mới thành lập). Yếu tố căn bản và rất hiệu quả trong việc thực hành là áp dụng phương pháp hàng đội tối đa, trong sự quan sát, góp ý riêng… tạo cơ hội cho các ĐT làm việc càng nhiều càng tốt. Song song là việc theo dõi và huấn luyện thêm cho các ĐT được thành thạo trong việc chỉ huy đội và cần phải được liên tục. Tạo cơ hội cho các ĐT hội họp để chia sẻ các kinh nghiệm cũng như các ưu khuyết điểm. Trong sinh hoạt Đội Mẫu mà Đoàn trưởng chính là ĐT của các em (và Đội sinh có thể là ĐT về sau hoặc đang Cầm Đội).
Chúng ta hãy thử nhìn vào sinh hoạt và huấn luyện Huynh Trưởng thì sẽ thấy ngay phương pháp hàng đội đã được áp dụng từ đó. Vai trò của người Đội Trưởng rất quan trọng.
Một Đội được nổi bật, chiếm nhiều tua danh dự, cờ danh dự, khen thưởng v.v… Phần lớn là nhờ tài lãnh đạo khéo léo của người Đội Trưởng. Cũng thế, trong sinh hoạt của Đoàn, nếu Đội Trưởng giỏi và có khả năng chỉ huy đội thì sự hăng say và thi đua sinh hoạt sẽ được thể hiện một cách rất rõ rệt. Việc áp dụng phương pháp hàng đội còn cần bao gồm các yếu tố như sau:
A. Tạo Uy Tín
Luôn nâng cao và tạo uy tín cho ĐT làm việc. Không bao giờ khiển trách các ĐT trước mặt các đội viên. Khôn khéo giải thích khi đội viên than phiền Đội Trưởng mà không làm mất đi uy tín người Đội Trưởng đó.
B. Trao Trách Nhiệm
Luôn trao phó các trách nhiệm liên quan đến việc điều hành đội cho ĐT. Nếu cần, nên hướng dẫn và giải thích cặn kẽ cho ĐT trước để các ĐT hướng dẫn lại các đội viên. Nên tạo cơ hội truyền lệnh cho các ĐT càng nhiều càng tốt để chính các ĐT sẽ truyền các đề nghị của Hội Đồng Đoàn: – lại cho các đội viên của mình. Như thế ĐT mới thực sự cảm thấy mình có trách nhiệm trực tiếp với đội viên của mình.
C. Tổ Chức Hành Chánh Hàng Đội
Đơn vị Đội là đơn vị căn bản của Đoàn, cũng phải có cơ cấu tổ chức và hành chánh trong đội như; Đội Trưởng, Đội Phó, Thư Ký Đội, Thủ Quỹ Đội. Đội Phó cũng được huấn luyện y như ĐT để có đủ khả năng hợp tác và thay thế khi cần. Tổ chức hành chánh trong đội là một điều cần thiết để các em chứng tỏ khả năng điều hành của mình và để mọi người trong đội đều góp phần vào việc xây dựng cho đội của mình ngày một vững mạnh hơn, đoàn kết hơn. Mỗi đội đều phải có: Phả Đội, Sổ Chương trình Sinh Hoạt Đội, Sổ Điểm Danh Đội, Sổ Thủ cụ, Sổ Quỹ Đội…
D. Hội Họp và Sinh Hoạt Đội
Tạo nhiều cơ hội và khuyến khích các ĐT họp Đội và sinh hoạt theo hàng Đội. Dùng Đội làm đơn vị căn bản để huấn luyện và sinh hoạt. Đó là dịp tốt nhất để các ĐT thi thố khả năng của mình.
E. Tinh Thần Đội
Hướng dẫn và giải thích cặn kẽ để mỗi một ĐT ý thức được rằng mình là phần tử chính yếu của Đội, là một nhà lãnh đạo, chỉ huy một Đội, chịu trách nhiệm trực tiếp mọi vấn đề sinh hoạt trong Đội.
Đó là một trách vụ cao quý. Do đó người ĐT nên có bổn phận đóng góp tích cực để xây dựng cho Đội ngày một tiến mạnh hơn và như thế sẽ đem lại cho Đoàn sự phát triển rất hữu hiệu.
Nên tổ chức các chương trình thi đua thường xuyên giữa các Đội, nên để cho các ĐT đóng góp ý kiến cho các vấn đề tổ chức của Đoàn. Các ĐT cần phải thông thuộc tiểu sử, gương của Thánh hoặc địa danh mà Đội mình mang tên. Nếu biết tổ chức mừng lễ bổn mạng Đội thì thật là lý tưởng.
Lưu ý! Nhưng cũng nên cẩn thận!!! Đừng biến các Đoàn sinh, trong đó có ĐT “biến thành” những “đấu sĩ”; coi Thắng – Thua là mục đích! Nếu Đoàn đi theo hướng nầy : – Đơn vị ấy cần nên xem xét lại phương cách hoạt động. Phong Trào Hướng Đạo không đào tạo ra những “đấu sĩ”; mà đào tạo ra những công dân lành thiện, hữu ích và biết sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh.
F. Tổng kết:
Dành các giờ họp để xem xét lại với các ĐT hầu đo lường được mức tiến triển của các Đội cũng như để giúp thêm cơ hội cho các ĐT được học hỏi thêm kinh nghiệm trong việc chỉ huy đội. Trong các giờ họp này, các ĐT lo báo cáo sinh hoạt và các thành quả của đội đã đạt được.
Mẫu tổng kết gồm 3 phần chính yếu như:    
(1) Các công tác và các sinh hoạt đã hoàn thành;
(2) Các khó khăn, ưu khuyết điểm đã gặp phải, các đề nghị;
(3) Các công việc, kế hoạch sẽ thực hiện và mục tiêu của Đội đang muốn đạt tới.
VI. KẾT LUẬN
Tóm lại, việc tuyển chọn ĐT theo đúng tiêu chuẩn đã được liệt kê như trên; huấn luyện kỹ lưỡng để các ĐT có thể chỉ huy và lãnh đạo một đội cách thuần thục và việc áp dụng phương pháp hàng đội tự trị cách khéo léo của người Đoàn.
Chắc chắn sinh hoạt và sức sống của Đoàn sẽ ngày một tiến triển và mục tiêu giáo dục của Phong Trào sẽ đạt được thành quả rất tốt đẹp.

Trân trọng cám ơn tác giả bài viết trên. Cùng xin phép được dùng, có bổ khuyết và có sửa lại đôi chút cho thích hợp hơn – và post lên Blog; nhằm giới thiệu Phương Pháp của Hướng Đạo: – HÀNG ĐỘI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét