4. Để việc giáo dục đạt kết quả tốt
4.1. Đồng tâm nhất trí
Cha mẹ phải nhất trí với nhau trong đường hướng và phương thức giáo dục con cái: Tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con cái và phải biết dùng những phương pháp thích hợp để giúp chúng đạt được mục đích. Công đồng xác quyết :
“Gia đình là một trường học phát triển nhân tính, nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định, cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái“.
Ngoài việc đồng tâm nhất trí với nhau, cha mẹ còn phải biết cộng tác với những nhà giáo dục khác, đặc biệt là các thầy cô và các Giáo lý viên.
4.2. Làm gương sáng
Kể từ lễ đính hôn, bình thường người ta chỉ còn hơn một năm để trở thành nhà giáo dục. Cách hữu hiệu nhất để biến mình thành nhà giáo dục là cương quyết sống những gì mình muốn truyền đạt cho con cái. Khi cha mẹ thăng tiến chính bản thân, nêu gương đời sống tốt đẹp về nhân cách, đạo đức và các khả năng khác, con cái sẽ noi theo. Đúng như người xưa vẫn nói:
- Cha nào con nấy,
- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Thật vậy, đứa bé, nhất là khi còn nhỏ, chưa có đủ trí khôn để phân biệt điều phải và điều trái, điều tốt và điều xấu. Nó thường bắt chước những gì cụ thể đập vào mắt nó. Thấy người lớn nói và làm thế nào, nó sẽ bắt chước mà làm như vậy. Vì thế, gương sáng của cha mẹ là điều rất cần thiết trong việc giáo dục con cái. Cha ông ta thường nói:
Lời nói như gió lung lay,
Việc làm như tay lôi kéo.
Việc làm như tay lôi kéo.
Công đồng cũng xác quyết: “Được cha mẹ hướng dẫn bằng gương sáng và kinh nguyện gia đình, con cái và tất cả những ai sống trong khuôn khổ gia đình sẽ gặp được con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn“.
4.3. Tạo bầu khí gia đình đầm ấm
Cần tạo bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, hoà thuận, lạc quan và biết tín nhiệm nhau. Trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo, Công đồng Vaticanô II nói: “Chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng. Do đó Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể“.
Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980 nơi số 12 viết: “Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêuthương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa”.
4.4. Tìm hiểu con cái
Giữa cha mẹ và con cái, giữa thế hệ già và thế hệ trẻ luôn có một khoảng cách. Nếu không chịu tìm hiểu con cái, công việc giáo dục của cha mẹ sẽ không đạt được những kết quả mong muốn đã đành, mà còn gây nên những bực bội và oán trách. Quả thật, giữa cha mẹ và con cái luôn có một bức tường ngăn cách. Bức tường này chính là tuổi tác. Vì tuổi tác chênh lệch, nên thời gian và không gian của hai thế hệ già và trẻ cũng khác biệt, để rồi từ môi trường sống ấy đã phát sinh những dị biệt, những bất đồng.
Giáo dục có nghĩa là hướng dẫn, uốn nắn và làm cho tốt đẹp hơn. Vì thế, việc đầu tiên cần thực hiện ngay, đó là phải tìm hiểu con cái, phải biết con cái nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì thì mới có thể hướng dẫn chúng một cách hữu hiệu.
Điều gì tốt nơi con cái, cần biết duy trì và cổ võ để được liên tục phát triển, còn điều gì xấu, lo nhắc bảo và sửa sai bằng những lời lẽ ôn tồn và tế nhị, thành thực và yêu thương.
Có tìm hiểu con cái, cha mẹ mới cảm thông và xích lại gần con cái hơn, nhờ đó lấp đầy được hố sâu ngăn cách giữa già và trẻ, một hố sâu muôn thuở trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đã tạo nên những mối bất bình sâu xa giữa cha mẹ và con cái.
4.5. Kiên nhẫn trong việc giáo dục
Uốn cây, cần phải kiên nhẫn, bằng không nó sẽ gãy. Vì thế, người xưa đã từng khuyên: Dục tốc bất đạt. Vội vã sẽ không thành.
Trẻ con thường ham chơi và mau quên. Cho nên nói một lần mà thôi chưa đủ, chúng ta phải nói lần nữa và lần nữa. Chúng ta phải nhắc đi nhắc lại để những lời khuyên nhủ được thấm dần vào đầu óc của chúng.
Đừng bao giờ thất vọng và nản chí trong việc uốn nắn sửa dạy con cái, bởi vì đó là một ơn gọi, một thiên chức cao cả mà Chúa đã dành cho chúng ta, những bậc làm cha và làm mẹ.
4.6. Cầu nguyện cho con cái
Một trong những điều mà bậc làm cha làm mẹ cần nhớ, đó là ý thức mình là những người cộng tác của Thiên Chúa: cộng tác trong việc vun trồng sự sống, cộng tác trong việc truyền sinh cũng như trong việc giáo dục con cái. Một trong những ơn của bí tích Hôn phối là giúp hai vợ chồng nên thánh trong đời sống vợ chồng, trong việc đón nhận và giáo dục con cái. Bởi vậy, trong việc giáo dục con cái, hai vợ chồng cần chạy đến với Chúa, bởi vì “Không có Thầy, các con không thể làm được gì” (Ga 15, 5). Đến với Chúa để xin Ngài soi sáng và hướng dẫn cách thức dạy dỗ. Cầu nguyện cho con cái, đặc biệt trong những giai đoạn phát triển khó khăn của chúng.
Sau cùng và hết sức quan trọng, để biết dạy dỗ con em, ta cần biết đến với vị Thầy tối cao của nhân loại là Chúa Giêsu Kitô: “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29). Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần cho ta để ta học được sự hiền lành và khiêm nhường cần có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét