Có con cái ư?
Hãy dạy dỗ và uốn nắn chúng ngay thuở còn thơ.
(Hc 7,23)
Hãy dạy dỗ và uốn nắn chúng ngay thuở còn thơ.
(Hc 7,23)
Hạnh phúc của cha mẹ là được thấy con cái nên người. Ngược lại, nếu con cái hư hỏng sẽ là một nỗi đắng cay phiền muộn. Kết quả đáng mừng hay đáng tủi ấy tuỳ vào sự bận tâm giáo dục của cha mẹ ngay từ đầu.
Giáo dục con cái không phải chỉ là một bổn phận quan trọng, mà còn là một vinh dự lớn lao của bậc làm cha làm mẹ, bởi vì được cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo nên những con người mới, những người con của Thiên Chúa. Đó là việc trồng người. Không chỉ trồng nên những người hữu ích cho xã hội, cho Hội Thánh mà còn trồng nên những vị thánh. Vì thế, giáo dục con cái không phải là một việc tuỳ hứng, nhưng cần có một đường hướng, một kế hoạch và những phương pháp.
1. Quyền và bổn phận giáo dục con cái
Quyền và bổn phận giáo dục con cái là cái cốt lõi của việc làm cha làm mẹ, bởi vì nó liên quan đến việc lưu truyền sự sống. So với những người khác, thì vai trò giáo dục của cha mẹ là khởi nguồn và là cơ bản vì tương quan yêu thương độc nhất vô nhị giữa cha mẹ và con cái. Vai trò giáo dục của cha mẹ không ai thay thế được và cũng không nhường cho ai được, nên không thể nào khoán trắng cho người khác hoặc để người khác chiếm đoạt.
Yếu tố nền tảng cơ bản nhất đánh dấu vai trò giáo dục của cha mẹ là tình phụ tử và mẫu tử. Chính tình yêu thương này, như nguồn mạch xuất phát, trở thành linh hồn và quy tắc để gợi ra những sáng kiến và hướng dẫn cho mọi hoạt động giáo dục cụ thể, làm cho chúng thấm đượm những giá trị của sự dịu dàng, kiên nhẫn, nhân hậu, phục vụ, vô vị lợi, hy sinh, là những hoa trái quý giá nhất của tình yêu.
2. Phải dạy từ lúc nào?
Công đồng Vaticanô II ngỏ lời với các bậc làm cha làm mẹ: “Vì đã lãnh nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ“. Cha ông chúng ta cũng thường nói:
Uốn cây từ thưở còn non,
Dạy con từ thưở con còn đương thơ.
Dạy con từ thưở con còn đương thơ.
“Còn đương thơ” hay “ngay từ nhỏ” ở đây có nghĩa là ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Khoa học ngày nay cho thấy: Người mẹ ảnh hưởng đến tâm tính và sức khoẻ của đứa con ngay từ lúc phôi thai. Việc giáo dục này được gọi là thai giáo. Trong thời gian này, các tâm tình và thái độ ứng xử của cha mẹ sẽ ghi dấu sâu đậm trên tâm tính đứa con sắp chào đời. Do đó, những bậc cha mẹ thương con sẽ hết sức lưu ý, để trong thời gian mang thai sống thật lành mạnh về luân lý và tâm linh.
Tuy nhiên, thời gian thuận tiện nhất để trực tiếp giáo dục con cái, đó là khi đứa con bắt đầu có trí khôn, bắt đầu nhận biết về những điều cha mẹ dạy bảo. Lúc bấy giờ gia đình sẽ trở nên mái trường đầu tiên dạy cho đứa bé những bài học làm người. Trong mái trường đó, cha mẹ chính là những “thày cô” được tín nhiệm và yêu thương hơn cả, vì cha mẹ là những người sống gần con cái, hiểu biết con cái và yêu thương con cái hơn hết.
3. Phải dạy những gì?
Mục tiêu của của việc giáo dục Kitô giáo là giúp con cái trở thành người và trở thành người con Thiên Chúa. Khuôn mẫu của con người hoàn hảo đó là Chúa Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa đã hạ sinh làm người để nên mẫu mực cho chúng ta noi theo.
Trong việc giáo dục con cái, phải để ý đến mặt nhân bản cũng như mặt đức tin.
3.1. Giáo dục nhân bản
Nền giáo dục nhân bản phải bao gồm cả ba phương diện: đức, trí và thể dục.
- Thể dục: dạy con vệ sinh sạch sẽ, giữ gìn sức khoẻ.
- Trí dục: trau dồi cho chúng về học vấn, về nghề nghiệp, để chúng có thể sống tự lập, xây dựng tương lai cuộc đời mình, góp phần xây dựng xã hội.
- Đức dục: trừ khử những thói hư tật xấu và tập luyện những tính tốt. Nhất là bốn nhân đức cột trụ làm nền tảng cho những nhân đức khác: khôn ngoan, công bằng, tiết độ và dũng cảm.
. Khôn ngoan: biết khiêm nhường lắng nghe và mau mắn vâng lời; biết suy nghĩ cân nhắc trước khi làm và khi làm xong sẽ dừng lại một chút để kiểm điểm và rút kinh nghiệm; biết xem xét và chuẩn bị kỹ để chu toàn mọi bổn phận thật chu đáo cũng như để ứng xử đúng trước những tình thế mới.
. Công bằng: Chăm chỉ làm tròn bổn phận; yêu thương mọi người, tôn trọng của cải và quyền lợi của họ; tôn trọng của chung và biết lo cho công ích; luôn thành thật trong lời nói và việc làm; không bao giờ gian lận.
. Tiết độ: Có kỷ luật, đúng giờ giấc và chừng mực trong những điều nhỏ mọn hằng ngày, trong ăn uống cũng như giải trí; tập cân nhắc đúng bậc thang giá trị theo tinh thần Kitô giáo và biết chọn lựa cách ý thức. Biết tiết kiệm. Dạy cho con cái biết giá trị của lao động cũng như giá trị thực sự của của cải vật chất. Hướng dẫn con cái chọn thú vui giải trí cũng như bè bạn
. Dũng cảm: Biết can đảm đứng vững trong điều tốt; biết chấp nhận những sai lỗi của mình, tự tin và tự lập, biết lãnh nhận trách nhiệm và hậu quả do công việc mình đã làm.
Đối với người Việt Nam, những đức tính ấy được diễn tả qua khái niệm “trung dung”, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Những đức tính này giúp ta biết yêu thương, có lòng biết ơn, cộng tác và nâng đỡ người khác, nói năng cũng như cư xử lễ độ và tế nhị, biết suy nghĩ cân nhắc và biết tạo nên sự tin cậy lẫn nhau.
Riêng đối với nữ giới cần thêm: Công, dung, ngôn, hạnh.
Giáo dục giới tính: Ngoài ra, trong việc giáo dục nhân bản cũng phải để ý đến việc giáo dục giới tính, hướng dẫn con cái về phái tính và tính dục. Việc giáo dục này nhằm mục đích giúp con cái có một sự hiểu biết về tính dục phù hợp với lứa tuổi và tầm nhận thức, để chúng sống trong sạch, trưởng thành, xứng đáng là người nam, người nữ như ý Chúa. Trong việc giáo dục này, cũng cần dạy cho con cái biết sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông, đặc biệt về phim ảnh, internet.
Nền giáo dục nhân bản này là điều hết sức cần thiết. Đức Thánh Cha nói: “Dù phải đương đầu với những khó khăn, mà ngày nay lại thường là những khó khăn to lớn trong trách nhiệm giáo dục con cái, bậc cha mẹ cần phải tin tưởng và can đảm giáo dục con cái họ theo những giá trị chính yếu của đời người. Trẻ em phải lớn lên trong một sự tự do chân chính trước các của cải vật chất, biết chọn một nếp sống giản dị và khắc khổ, vì xác tín mạnh mẽ rằng: giá trị của con người là do cái mình làm, hơn là do cái mình có.”
Xem đó chúng ta thấy: Để trở thành một người Kitô hữu, thì tiên vàn phải là một người cho đúng nghĩa của nó. Hay nói một cách khác: Phải là người trước đã, rồi sau đó mới có thể là người Kitô hữu.
3.2. Giáo dục đức tin
Là người có đạo, ngoài nền giáo dục nhân bản, cha mẹ còn phải cho con cái nền giáo dục Công giáo, nghĩa là ngay từ hồi còn tấm bé, đã phải dạy cho con cái biết mến Chúa yêu người, biết tuân giữ những giới luật của Chúa, biết tham dự những công việc đạo đức, biết siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhờ đó con cái sẽ trở thành những Kitô hữu đích thực, nghĩa là những người có Đức Kitô trong tâm hồn và mang Đức Kitô trong cuộc sống, cũng như trở thành những người tín hữu đích thực, nghĩa là những người có đức tin và sống đức tin của mình giữa lòng cuộc đời.
Công đồng Vaticanô II nói: “Vợ chồng đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ chăm lo chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì bổn phận này liên hệ đến họ trước“.
Công đồng Vaticanô II cũng xác định nội dung của việc giáo dục Kitô giáo như sau: “Việc giáo dục này không những chỉ giúp nhân vị được trưởng thành, nhưng chính là nhằm giúp những người đã được rửa tội, để nhờ hiểu biết sâu xa hơn mầu nhiệm cứu rỗi, thì càng ngày càng ý thức hơn về hồng ân đức tin đã nhận lãnh, biết cách thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4, 23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như được huấn luyện để biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24), và nhờ vậy họ đạt tới con người toàn thiện, chín chắn đạt tới sự sung mãn của Đức Kitô (x. Ep 4,13), góp phần làm cho Nhiệm thể được tăng trưởng.
Trong việc giáo dục đức tin, cũng cần để ý tới việc giúp con cái nhận ra ơn gọi của chúng và giúp chúng đáp lại ơn gọi đó.
Khi con cái bắt đầu học giáo lý, cha mẹ nên quan tâm tìm hiểu hệ thống các lớp giáo lý trong giáo xứ mình. Ngay cả khi con cái chưa đi học, nếu được, họ cũng nên tham gia giảng dạy hoặc hỗ trợ cho các lớp giáo lý, bởi đó là cách đơn giản để nâng cao nhận thức giáo lý của mình và tự trang bị khả năng đào tạo đức tin cho con cái. Một số nơi, vì giới phụ huynh ít tham gia, việc giảng dạy giáo lý được giao cho lớp trẻ và nói tới Giáo lý viên là người ta dễ nghĩ tới những anh chị chưa lập gia đình. Thật ra, đội ngũ Giáo lý viên phải là những người có bề dày kinh nghiệm sống, cho nên Hội Thánh rất ước mong các đôi bạn quảng đại chia sẻ sứ mạng này.
(Nguồn : http://www.simonhoadalat.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét